Nga sẵn sàng đàm phán nhưng Ucraine không được kèm điều kiện tiên quyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Hãng thống tấn TASS đưa tin Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Vershinin ngày 11/2 cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Zvezda rằng Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, nhưng không được kèm theo điều kiện tiên quyết.

Quân nhân Ucraine trong một cuộc tập trận. Ảnh: Reuters

"Như thông lệ, bất kỳ hành động thù địch nào cũng sẽ dẫn đến đàm phán. Đương nhiên, như chúng tôi đã nói trước đây, chúng tôi sẽ sẵn sàng cho những cuộc đàm phán như vậy chỉ khi đó là những cuộc đàm phán không có điều kiện tiên quyết. Những cuộc đàm phán này phải dựa trên cơ sở thực tế", ông Vershinin nói.

Moscow cáo buộc các nước phương Tây đang thực hiện một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga ở Ukraine. Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng Mỹ và đồng minh tìm cách kéo dài xung đột bằng cách viện trợ vũ khí hạng nặng cho Kiev. Ông cảnh báo, những chính sách đó có thể "dẫn đến sự leo thang căng thẳng không thể lường trước".

Mùa xuân năm 2022, không lâu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hai bên đã tiến hành một số vòng đàm phán. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán bị gián đoạn kể từ cuối tháng 3 đến nay, cả Moscow và Kiev đều đưa ra những điều kiện bị cho là không thể chấp nhận được với bên còn lại.

"Mọi cuộc xung đột đều sẽ chấm dứt thông qua đàm phán. Như tôi đã nói trước đó, chúng tôi sẵn sàng nối lại đối thoại với phía Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này sẽ chỉ được tiếp tục nếu Ukraine từ bỏ những yêu cầu của họ. Thêm vào đó, đàm phán với Ukraine sẽ chỉ diễn ra theo hướng phù hợp với tình hình thực tế", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin ông nêu rõ.

Nga sẵn sàng đàm phán nghiêm túc để chấm dứt xung đột, nhưng không chấp nhận cái gọi là "công thức hòa bình 10 điểm" do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất. Theo đề xuất này, Nga phải rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine.

Xung đột đã làm cho cả hai bên thiệt hại nặng nề. Theo thống kê của LHQ, khoảng 6,8 triệu người đã di tản khỏi Ukraine từ tháng 2/2022. Ukraine chiếm 15% lượng ngô và 10% lượng lúa mì toàn cầu, sản xuất khoảng 50% lượng dầu hướng dương trên thế giới, nhưng xung đột đã cắt đứt hoạt động xuất khẩu các mặt hàng trên.

Thế giới bước sang năm 2023 với lạm phát tăng cao, nguyên liệu đắt đỏ, khan hiếm. Riêng châu Âu, gánh nặng hỗ trợ hàng triệu người tỵ nạn Ukraine làm nản lòng một bộ phận người dân lục địa già. Thậm chí, một số cuộc biểu tình đã nổ ra ở Đức, Ý, Séc... để phản đối gửi vũ khí cho Ukraine.

Những khó khăn đó có thể khiến Nga và Ukraine sớm ngồi vào bàn đàm phán và kết thúc chiến tranh trong năm 2023 này.

TS ( từ TTXVN, TNO, TPO)

Có thể bạn quan tâm