Emagazine

Multimedia

Emagazine

E-magazine Nghề “ăn cơm đứng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nghề trồng dâu nuôi tằm có tuổi đời hàng ngàn năm ở nước ta nhưng khá mới mẻ với Gia Lai. Tuy vậy, nghề này đang mang lại thu nhập cao cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Sương sớm vẫn còn bủa vây làng Bạc Kuao nhưng ông Rơ Lan Diếp đã làm sắp xong phần việc quan trọng của ngày là tưới nước cho mấy sào dâu tằm. Nước từ vòi nhựa túa ra cộng với gió lạnh đầu ngày khiến ông run bần bật. Cài thêm khuy áo cho ấm, người đàn ông tuổi lục tuần chia sẻ: Giữa năm 2022, thấy vợ chồng cháu Kpăh Thuy tiên phong mang con tằm về nuôi ở làng, dân làng cũng ngờ vực lắm. Người Jrai làm thổ cẩm từ cây rừng chứ có phải xe tơ dệt lụa như người Kinh đâu, biết gì mà nuôi, khéo làm trò cười cho làng. Ấy thế mà gia đình cháu Thuy lại làm rất thành công, cứ nửa tháng lại bỏ túi chừng 5-6 triệu đồng từ bán kén tằm.

“Thế nên mình qua gặp vợ chồng cháu ấy học hỏi kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm. Được sự chỉ dẫn tận tình, mình mạnh dạn chặt bỏ mấy sào cà phê già cỗi trong vườn nhà để trồng dâu và xây thêm 1 phòng rộng chừng 20 m2 để nuôi tằm. Ý nghĩ ban đầu là cứ thử xem sao, nếu không nuôi được tằm thì bán lá dâu cho mấy hộ người Kinh trong vùng, chẳng thiệt được.

Nhà anh Kpăh Thuy mới cân kén bán cho Công ty TNHH Dâu tằm Minh Hóa được mấy hôm nên đang tạm nghỉ để dọn vệ sinh, khử khuẩn khu vực nuôi tằm và chăm cho lá dâu lên tốt hơn. Nhanh tay chặt bớt những nhánh dâu già cỗi để tạo nhánh mới, anh Thuy tâm sự: “Mình đi làm thuê cho người Kinh trong vùng, họ hướng dẫn kỹ thuật nuôi và động viên mình trồng dâu nuôi tằm. Để chắc chắn hơn, mình đến Công ty TNHH Dâu tằm Minh Hóa hỏi thêm về cách nuôi. Được cán bộ Công ty hướng dẫn tận tình về kỹ thuật và đồng ý bán nợ con giống, hỗ trợ kinh phí mua vật tư bằng cách trừ dần vào tiền kén nên mình mạnh dạn nuôi. Thời kỳ đầu cũng không suôn sẻ nhưng dần dần đúc rút được kinh nghiệm nên kỹ thuật nuôi ngày càng tốt hơn. Có nhiều đêm mình thức trắng để lên mạng xem hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Nuôi tằm, công việc không nặng nhọc và có thể sắp xếp được thời gian để làm việc khác nữa. Chi phí đầu tư trồng dâu nuôi tằm cũng ít hơn trồng cà phê nhiều lần, lợi nhuận lại cao hơn. Vậy nên 2 năm nay, bằng tiền thu hái 4 sào cà phê và nuôi tằm, vợ chồng mình đã trả hết các khoản nợ nần. Chưa kể là mình còn mua được 1 cái máy băm dâu với giá hơn 12 triệu đồng, cũng không còn phải đi làm thuê như trước.

Ở thôn Phú Tân (xã Ia Băng, huyện Chư Prông), gia đình ông Bùi Văn Tốn có tiếng trong nghề trồng dâu nuôi tằm với chất lượng kén được đánh giá tốp đầu. Một tua nuôi, số kén gia đình ông thu được luôn đạt 60-70 kg. “Mỗi ngày, mình cho tằm ăn 5-6 lượt lá dâu. Tầm khoảng 2-3 tiếng đồng hồ ra vườn cắt lá dâu về bỏ vào máy băm rồi rải cho tằm ăn. Nếu vào thời gian tằm ăn rỗi thì phải cho ăn lá nhiều hơn.

Chất lượng lá dâu cũng phải đặt lên hàng đầu. Ví như mới đây, nhà tôi mua thêm mấy bó lá dâu không đảm bảo chất lượng khiến 1 hộp tằm chết hết. Không tiếc nhiều về tiền giống nhưng tiếc công sức bỏ ra chăm bẵm đến lúc sắp có thu thì hỏng ăn”-ông Tốn tâm sự.

Trồng dâu nuôi tằm có những quy tắc riêng mà dân trong nghề thực hiện rất nghiêm. Đó là lá dâu phải đảm bảo độ tươi, không được phun hóa chất. Dù phun chế phẩm sinh học cũng phải sau một khoảng thời gian nhất định mới được cắt lá cho tằm ăn. Nếu không tằm sẽ bị ngộ độc. Chuồng trại nuôi phải thoáng mát và khử khuẩn sạch sẽ sau đợt nuôi.

Không phát triển rầm rộ như một số nghề khác, nghề trồng dâu nuôi tằm chọn lối đi âm thầm nhưng có sức lan tỏa. Chỉ tính riêng khách hàng của Công ty TNHH Dâu tằm Minh Hóa đã hơn 500 hộ ở các huyện: Chư Sê, Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Krông Pa. Sản lượng kén tằm của tỉnh hiện khoảng 40 tấn/năm. Điều kiện địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng của Gia Lai tạo thuận lợi cho nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển. Ngoài ra, giá thu mua kén tằm ở mức 120-180 ngàn đồng/kg là yếu tố tiên quyết để người dân chọn nghề này. Đơn cử như gia đình ông Phạm Văn Hùng (làng Khối Zố, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) làm nghề cơ khí nhiều năm nhưng quyết định chuyển hướng sang trồng dâu nuôi tằm từ giữa năm 2021. Mỗi năm, gia đình ông Hùng có thu nhập chừng 1 tỷ đồng từ trồng dâu nuôi tằm.

Như vụ gần đây nhất, tôi nuôi 6 hộp tằm, thu nhập 100 triệu đồng từ tiền bán kén. Tôi cũng đang tính toán mở rộng sản xuất bởi lợi nhuận mang lại cao và ổn định. Cách đây mấy hôm, lãnh đạo huyện Chư Prông đến tham quan mô hình của gia đình để có hướng vận động người dân thay đổi cách làm, tăng thu nhập. Bản thân tôi cũng động viên láng giềng, bạn bè chuyển sang trồng dâu nuôi tằm vì hiệu quả cao”-ông Hùng cho hay.

Bà Trương Thị Thu Thúy-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng (huyện Chư Prông) thông tin: “Trên địa bàn xã có hàng chục hộ trồng dâu nuôi tằm, trong đó có 5 hộ người dân tộc thiểu số. Thu nhập mang lại từ nghề này khá ổn định. Chúng tôi nhận thấy đây là tín hiệu tích cực về thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo đối với người dân địa phương nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng. Định hướng của xã là sẽ thành lập nông hội nuôi tằm và hiện đang xúc tiến triển khai”.

Có thể bạn quan tâm