Trong khi đó, tại thành phố lớn thì liên tục phát hiện các thủ đoạn trục lợi để sang tay nhà ở xã hội. TP.Đà Nẵng vừa phát hiện, ngăn chặn hàng chục trường hợp nghi vấn hồ sơ "độ chế", làm giả hợp đồng lao động, BHXH để đăng ký mua.
Sự chênh lệch giá giữa nhà ở xã hội và nhà ở thương mại tối thiểu là 20%, thậm chí vào thời điểm sốt đất, có dự án nhà ở xã hội sang tay giá gấp 3 lần, dẫn đến những góc khuất mua bán nhà ở xã hội .
Một số méo mó còn đến từ chủ đầu tư. Nguyên do là gia tăng tối đa lợi nhuận, để bù đắp cho những chi phí và bị khống chế định mức lợi nhuận của toàn bộ dự án nhà ở xã hội không được vượt quá 10 - 15% tổng chi phí đầu tư.
Sự xung đột giữa chất lượng - giá cả, đúng - sai đối tượng được mua nhà ở xã hội … có nguyên nhân từ việc thật khó hài hòa giữa bài toán lợi nhuận của doanh nghiệp (tối đa) và chính sách an sinh xã hội (tối thiểu).
Trong bối cảnh nhà ở xã hội do tư nhân đầu tư còn nhiều kẽ hở, nhà nước nên tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, nhưng cần thêm sự điều chỉnh phù hợp hơn nữa.
Đơn cử, nhà ở xã hội do nhà nước đầu tư có thể cho thuê theo mức lương phù hợp của người thu nhập thấp. Theo thời gian, người thuê có nhu cầu có thể sở hữu nhà khi đủ điều kiện kinh tế, lúc này cần tính giá nhà giảm xuống theo mức khấu hao tài sản đã sử dụng với số tiền người thuê đã trả trong thời gian thuê.
Về sở hữu, thật khó cấm người mua nhà ở xã hội không được bán trong thời gian nhất định, bởi thực tế từ lâu họ đã lách luật, ủy quyền sử dụng và thực hiện các giao dịch khác, chỉ chờ ngày hợp thức hóa.
Việc cấm này còn không hợp lý vì chẳng khác nào cấm người có nhà ở xã hội không được… giàu lên. Khi họ có điều kiện tốt hơn, hoặc cần tiền giải quyết các vấn đề bức thiết trong cuộc sống về vốn, lúc ngặt nghèo, họ có quyền định đoạt tài sản của mình.
Chỉ cần kiểm soát đối tượng đủ điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội chỉ được 1 lần cơ hội trong đời, như vậy đã phát huy tính nhân văn của chủ trương này.