Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Ngọt ngào lời ru

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tiếng võng kẽo kẹt đều đều cùng với những lời hát ru êm ái, ngọt ngào khi thì của mẹ, của bà, lúc thì của chị dần đưa bé vào giấc ngủ êm đềm. Hình ảnh ấy thật đẹp, ăn sâu vào trong tâm trí trẻ thơ và trở thành một phần ký ức của mỗi người.

Hát ru là việc làm thường xuyên của những người mẹ qua nhiều thế hệ. Hình ảnh đứa trẻ đưa bàn tay bụ bẫm ôm lấy mẹ luôn rất đẹp và gợi nhiều cảm xúc. Lời ru như những khúc tâm tình, những câu chuyện kể mà người mẹ, người bà dành cho em bé. Những câu hát có thể khác nhau về ngôn ngữ, làn điệu nhưng tất cả đều có chung sự ngọt ngào và đong đầy yêu thương.

Đứa trẻ được mẹ ẵm bồng, vỗ về bằng những câu hát ru thường có một tuổi thơ êm đềm. Lời ru ấy luôn in sâu trong tiềm thức của chúng. Có thể nói, cùng với những nhu cầu thiết yếu nuôi dưỡng thể chất của một đứa trẻ thì lời ru là một món ăn tinh thần không thể thiếu giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh cả về thể chất và tâm hồn.

Ngọt ngào lời ru của mẹ (ảnh minh họa: Kim Cương/nguồn baohaiquanvietnam.vn)

Tôi đã rất xúc động khi xem một chương trình kể về cuộc đoàn tụ của người con tìm về quê mẹ sau hơn nửa đời lưu lạc. Ngày rời quê, xa mẹ ra đi, anh còn là một đứa trẻ, có cuộc sống vất vả nhưng đầy tình thương của mẹ. Bất hạnh đã đẩy anh trở thành đứa trẻ bơ vơ và dần quên đi nhiều thứ. Anh không thể nhớ tên cha mẹ hay bất kỳ người thân nào trong gia đình. Nhưng ký ức còn lại trong anh lại là những bài hát ru đậm chất Huế. Để rồi anh mang máng nhớ ra quê mình ở Huế, mẹ thường đánh cá trên phá Tam Giang.

Cũng nhờ những cứ liệu đó mà anh tìm được quê mẹ. Ngày trở về, anh ngập tràn trong nước mắt. Đó là những giọt nước mắt của niềm vui, niềm hạnh phúc, nước mắt của nhớ thương, tiếc nuối. Và trong sâu thẳm tâm hồn anh, những lời hát ru ngọt ngào và hình ảnh của mẹ không bao giờ phai nhòa. Tiếc rằng, người mẹ ấy đã không đợi được đến ngày anh trở về mà ra đi khi trong lòng còn canh cánh nỗi lo cho đứa con thất lạc.

Tôi cũng lớn lên với những lời ru ngọt ngào của mẹ. Vậy nên, những câu hát mẹ ru con, ru cháu cứ đi vào lòng tôi một cách vô thức để rồi tôi lại dùng chính những câu hát đó ru con. Mẹ tôi là một người nông dân mộc mạc. Lời ru dân dã của mẹ dù không mượt mà như những lời hát sau này tôi được nghe trên đài, trên các phương tiện khác, nhưng câu hát của mẹ cứ như những giọt nước mưa mát dịu thấm vào lòng mỗi đứa con.

Trong ký ức của tôi, lời ru ấy là những bài học về công cha, nghĩa mẹ, về nỗi lòng của những người phụ nữ phải xa cha mẹ đi làm dâu xứ người, về tình yêu chung thủy sắt son, không ham vật chất giàu sang. Cũng có những lời hát kể những câu chuyện lịch sử về người lính phải giã từ cha mẹ, vợ con để ra nơi chiến trận...

Có thể thấy, lời ru được đúc kết từ cuộc sống, văn hóa vùng miền và kinh nghiệm bao đời của người dân. Qua những câu hát, đứa trẻ có thể cảm nhận được tình cảm của người ru. Lời ru có thể vui, có thể buồn tùy theo tâm trạng người mẹ, nhưng với mỗi đứa con, chỉ cần nằm trong lòng mẹ, có hơi ấm của mẹ là có thể ngủ ngon và cảm thấy an toàn, tin cậy.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều người mẹ trẻ không có thời gian dành cho con, lại thêm sự tin tưởng vào những thiết bị công nghệ khiến họ đánh giá thấp việc hát ru con.

Thực tế là những lời ru, cũng như tình cảm yêu thương của ông bà cha mẹ là điều không thể thay thế với mỗi đứa trẻ. Còn gì hạnh phúc hơn khi mỗi người lại có thể hát ru con bằng những câu hát ngày xưa của mẹ.

Có thể bạn quan tâm