Thời sự - Bình luận

Ngừng lễ hội mùa Covid, bớt "đu dây" giữa mê tín và khủng hoảng niềm tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm nào cũng vậy, ra giêng, người người ùn ùn đi lễ hội, lại diễn ra cảnh tượng chen chúc, tranh cướp, mua bán thánh thần, "hối lộ" tượng Phật. Tuy nhiên, mùa Covid-19, hàng loạt lễ hội tạm ngưng, nhiều người vừa mừng, vừa lo.

Mừng là vì những chuyện quá đáng, phản cảm và bạo lực sẽ không còn xảy ra. Phàm những gì quá đáng sẽ gây hệ lụy không nhỏ, từ cướp phết, tranh ấn, dẫm đạp lên nhau khiến không ít người ngất xỉu trong các lễ đâm trâu, chém lợn, xin lộc; chưa kể hành vi mông muội xoa tiền lên tượng Phật, nhúng tiền vào máu động vật…

Về mặt ứng xử văn hóa, nên lấy trung đạo làm trọng. Không có lễ hội thì buồn vô kể, nhưng nếu có thì xảy ra nhiều chuyện ngoài sức tưởng tượng, các nhà quản lý phải bó tay.

Văn hóa, văn minh đồng nghĩa với thanh nhã, lịch sự. Phải là những người có bản lĩnh, có giáo dục, sống trong một xã hội lành mạnh mới kiềm chế được sự quá đáng đến hoang dã, mông muội của mình khi chạm tay vào ký ức tốt đẹp của cộng đồng và những khát thèm thế tục.

Thử tưởng tượng ở một đất nước với 9.000 lễ hội lớn nhỏ trong một năm, điều gì đang xảy ra? Có điều gì bất bình thường khi con người hiện đại ngày càng xa rời giá trị tinh thần để đến với thế giới vật chất, lại bấu víu nơi lằn ranh chánh tín và mê tín để tìm cho mình một lối thoát? Vì sao đi lễ chùa phải cầu xin lợi lộc, tiền tài, địa vị và cả sự bình an sau khi tranh đoạt quyền lợi với người khác? Vì sao phải xì xụp khấn vái với mâm cúng thật to để mong cầu giá trị vật chất, mà quay lưng với đạo đức và chữ hiếu? Nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật, ném tiền xuống hồ, hay mang tiền rải khắp nơi để làm gì? Giá trị lễ hội có giúp con người hiện đại thay đổi, hay lại càng rơi vào mê lầm, tiếp tay cho một lớp người dám buôn thần bán thánh, kinh doanh tín ngưỡng?

Lý giải về hiện tượng này, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm khẳng định: Chuyện vật chất và tinh thần là câu chuyện dài vì văn hóa Việt ngày xưa coi trọng tinh thần hơn vật chất. Nhưng từ khi có sự đứt gãy về văn hóa, chủ nghĩa vô thần bao trùm, dập tắt tất cả những gì thiêng liêng, người ta coi mọi thứ dễ dãi, nhẹ nhàng quá. Tất nhiên, đó chỉ là mặt nổi bên trên, phần chìm bên dưới, bản sắc vẫn nằm đó nhưng về mặt triết học, 2 lĩnh vực đó tác động qua lại với nhau. Hệ giá trị đang biến động cực kỳ lớn, thế ổn định cũ bị phá vỡ nhưng chưa tạo ra thế ổn định mới, tất cả đang trong giai đoạn biến động.


 

Người dân đeo khẩu trang dâng hương khai lễ Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) xuân Tân Sửu. Ảnh: Ngô Hùng.



Tiếp đó là "cuộc chiến" nhằm thu hút con nhang, phật tử và khoản tiền cúng dường giữa các chùa lớn và chùa bé, giữa các địa phương và các chùa… Từ việc tranh cãi ai giữ hòm tiền công đức, đến chuyện biến cửa chùa thành dịch vụ kinh doanh… Dĩ nhiên, tiền công đức là tự nguyện, nên giữ lại cho chùa. Nhưng nếu chùa nào biến mọi giá trị tinh thần thành các dịch vụ để kiếm chác như xin xăm, cầu an, cầu siêu, cúng sao giải hạn thì phải cần xem lại.

Vì sao ngày càng có nhiều đền chùa buôn thần bán thánh, kinh doanh thần Phật? Những tôn giáo tử tế có cho phép điều này? Cũng khó có chuyện từ xưa tới nay, giáo hội Phật giáo cho phép thầy chùa sắm xe ô tô để đi chơi, ăn sung mặc sướng và hưởng mọi tiện nghi. Chùa lớn mà có khi khiến Phật tử mê tín càng nặng, trong khi chùa nhỏ lại giúp người ta tìm lại sự thăng bằng và bình yên.

Mê tín và chánh tín gần như là đứa con sinh đôi của tôn giáo. Thành thử quá 1 chút là thành mê tín. Có những người vì thiếu hiểu biết mà đi vào mê tín. Bên cạnh đó, có cả những người biết là không nên làm mà vẫn làm. Một nhà nghiên cứu phải thốt lên: Người Phật tử không học hành chánh pháp, không hiểu giáo lý một cách đúng đắn thì sẽ trở thành nô lệ cho tăng lữ!

Sâu xa hơn, nhiều người cho rằng đây là cuộc khủng hoảng niềm tin, mà lễ hội ra đời càng nhiều chính là sự bù đắp thiếu hụt kinh khủng đó.

Một xã hội lành mạnh hẳn tôn trọng pháp luật và đặt niềm tin vào những giá trị phổ quát nói chung. Nhưng một khi người ta mất niềm tin vào những giá trị thiêng liêng, mất niềm tin vào cuộc sống hiện thực, sẽ bị chủ nghĩa hư vô chiếm lĩnh, dẫn đến coi thường luật pháp, làm những chuyện phi đạo đức mà không cảm thấy hối hận.

Ngoài ra, yếu tố bạo lực vẫn nhức nhối khi nhiều  lễ hội vẫn duy trì một số hủ tục ở các địa phương. Một trong những đặc trưng căn bản của văn hóa là luôn thay đổi. Những tục lệ có tính chất phản cảm thì phải thay thế theo thời gian. Ngày trước, chém lợn trong phạm vi cộng đồng làng xã, biểu thị cho một hành vi gắn với sự tích, truyền thuyết, ký ức văn hóa của cộng đồng, mang biểu tượng chiến thắng của chính nghĩa. Cộng đồng hiểu được ký ức văn hóa đó. Còn một khi hệ thống truyền thông loan rộng ra trong những cộng đồng không có ký ức văn hóa như thế thì bản thân lễ hội chém lợn sẽ trở thành phản cảm.

Lễ hội và các cảnh bạo lực sẽ tạm lắng, nhưng sẽ như thế nào nếu đến thời điểm mọi việc trở lại bình thường? Tại sao chúng ta không nhìn sang Đài Loan (Trung Quốc), hay Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, nơi người ta tổ chức những lễ hội một cách quy củ, trân trọng và đầy chánh niệm, khiến du khách và người dự lễ phải xuýt xoa, thán phục?

Và trong thời Covid-19, khi chấp nhận hạn chế ra ngoài, hạn chế tham gia các hoạt động công cộng, liệu con người chịu suy nghĩ, nhìn lại những hành vi và tham vọng của mình, để hiểu thêm lằn ranh giữa chánh đạo và mê tín? Hay một khi chưa tìm ra hệ giá trị mới, họ vẫn phải dựa vào một ai đó ở trên cao, dựa vào sự khát thèm vật chất và dục vọng, để ngày một rời xa con người thiện lương – Phật sống trong tâm mình?

 

https://danviet.vn/covid-19-o-hai-duong-chong-dich-co-du-tam-2021021819050053.htm

Theo NHẬT LỆ (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm