Mỗi ngày, tại Bệnh viện Bạch Mai có từ 5.000 - 7.000 bệnh nhân đến thăm khám; rất nhiều bệnh nhân có chỉ định chụp chiếu chẩn đoán, nhưng phải chờ đợi 2 - 3 ngày mới đến lượt.
Trước cửa khu vực các phòng chụp, siêu âm của bệnh viện (BV) này, luôn có hàng trăm bệnh nhân và người nhà chen chúc chờ đợi.
Trái ngược với cảnh chờ đợi mệt mỏi đó, BV này đang “đắp chiếu” một loạt hệ thống máy hiện đại như: SPECT, PET/CT và hệ thống máy Gamma knife phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Nguyên nhân, đây là những thiết bị máy móc được đầu tư theo hình thức liên doanh, liên kết, và đang bị “đóng băng” để phục vụ công tác điều tra trong vụ án sai phạm về các thủ tục đấu thầu mua sắm liên quan đến các cựu lãnh đạo của BV.
Cũng do các hoạt động pháp lý liên quan đấu thầu, liên doanh, liên kết tại BV này mà nhiều đối tác cung cấp thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị e ngại, không muốn cung ứng cho BV tại thời điểm này, dẫn đến việc vừa qua nhiều gói thầu không có đối tác tham gia, gây ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị.
BV Bạch Mai cũng như nhiều BV khác đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan chức năng sớm có cơ chế tháo gỡ các vướng mắc để chí ít có thể “giải phóng” các máy móc hiện đại được trang bị trong thời kỳ xã hội hóa “trăm hoa đua nở”. Mục đích quan trọng nhất là để đảm bảo nhu cầu và quyền được chữa bệnh của người dân. Việc thiếu hụt trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc tại thời điểm này, thiệt thòi nhất chính là người bệnh.
Không thể phủ nhận hiệu quả từ chính sách xã hội hóa trong y tế công. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn hẹp, xã hội hóa là một trong những nguồn lực giúp BV công có được các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, từ đó người bệnh được tiếp cận các phương pháp chẩn đoán, điều trị mới. Đơn cử, trước đây một ca mổ khớp vai, người bệnh đều phải ra nước ngoài với chi phí 600 - 700 triệu đồng. Nhưng từ sau năm 2017, các máy móc công nghệ cao được đầu tư theo hình thức liên doanh, liên kết, các BV trong nước có thể thực hiện tốt ca mổ trên với chi phí chỉ khoảng 40 triệu đồng.
Hàng loạt sai phạm, trục lợi khi triển khai xã hội hóa, liên doanh đặt máy bị phát hiện đúng là đã làm hoen ố một chủ trương tốt đẹp, nhưng phải xác định đó trước hết thuộc trách nhiệm cá nhân, sau nữa có vấn đề từ cơ chế, chính sách chưa rõ ràng. Ai làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, điều đó là công bằng.
Tuy nhiên, để máy móc hiện đại bị “đắp chiếu” quá lâu, trong khi người bệnh vật vã chờ đợi, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể là sinh mạng người bệnh, thì đó lại là lỗi của chúng ta.
Đồng thời với việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cá nhân trục lợi, Bộ Y tế cũng như các cơ quan liên quan cần phải khẩn cấp có giải pháp “giải phóng” hệ thống thiết bị y tế hiện đại đang đắp chiếu, một nguồn lực quý giá để phục vụ người bệnh trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.
Theo Trương Thị Liên Châu (TNO)