(GLO)- Cô giáo Bùi Thị Nhung được biết đến không chỉ là tấm gương sáng về tinh thần tận tụy, mà còn là người mang “tấm thẻ” đầu tiên gieo chữ cho các em học sinh trên đảo Trường Sa Lớn tỉnh Khánh Hòa.
Học sinh Trường Sa Lớn đón khách đến từ đất liền. Ảnh: Mai Thắng |
Sau 5 năm “gieo chữ” nơi đầu sóng, cô giáo Nhung được trở lại đất liền dạy học. Mặc dù điều kiện ở đất liền đầy đủ cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục cao hơn, song những năm tháng dạy học ở Trường Sa luôn đọng lại trong cô đầy ắp kỷ niệm. “Những năm tháng dạy học ở Trường Sa, tôi không bao giờ quên trong đời dạy học. Đó là những ngày ý nghĩa nhất được cống hiến hết mình. Bây giờ nếu được trở lại Trường Sa tôi vẫn sẵn sàng”. Từ đầu dây điện thoại tận Khánh Hòa, giọng cô Nhung nghẹn nghẹn chia sẻ.
Tháng 3-2008, trong một buổi chiều đi dạy học về như bao chiều khác, cô Nhung chợt nghe trên loa truyền thanh của xã Cam Hải Tây (huyện Cam Ranh, Khánh Hòa) thông báo việc đi Trường Sa theo diện tình nguyện. Vốn là cán bộ Đoàn năng động, Nhung nghĩ: “Đi Trường Sa dạy học chắc chắn nhiều gian khổ, song được dạy chữ cho các em học sinh ở Trường Sa sẽ có ý nghĩa hơn nhiều”. Ngay buổi tối hôm đó, cô bàn với chồng về ý định đi Trường Sa day học. Chồng cô không đồng ý còn bảo: “Việc đó có bộ đội lo. Phận đàn bà con gái, dạy học ở đất liền đã cực nhọc rồi, ra Trường Sa xa xôi, còn chồng con, gia đình ai gánh?”. Chưa thuyết phục được chồng, Nhung chủ động đến nhà bố mẹ đẻ trình bày nguyện vọng của mình và “nhờ bố mẹ phân tích ước nguyện của con cho chồng con hiểu”. Cuối cùng, bố mẹ đẻ đã đồng ý và ông bà cũng thuyết phục được con rể đi cùng con gái ra Trường Sa dạy học.
Ngày chia tay trên cảng Cam Ranh, cô giáo 27 tuổi nghẹn ngào giọng không thành tiếng. Cô ôm mẹ đẻ hẹn ngày gặp lại. Cầm bàn tay nhăn nhúm của cha, cô hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ trở về. Tàu hú ba hồi còi tạm biệt quê hương, Nhung bế con xuống tàu nước mắt tràn mi.
Trước lúc ra Trường Sa dạy học, cô giáo Nhung là giáo viên biên chế của Trường Tiểu học Suối Cát trong đất liền, có con gái 3 tuổi và điều kiện kinh tế gia đình ổn định. “Ra Trường Sa dạy học, lúc đó tôi cũng chưa hiểu mình phải làm thế nào để dạy cho các em học sinh 5 lớp một lúc. Chỉ biết, Trường Sa rất thiêng liêng trong tim tôi. Tôi luôn cảm thấy niềm vui rộn ràng khi nghĩ mình đứng trên bục giảng ở nơi đầu sóng ngọn gió”-cô Nhung nhớ lại.
Trong căn phòng đơn sơ giữa chân trời Tổ quốc, bốn tấm bảng treo bốn bên trường, 9 em học sinh ngồi quay lưng lại với nhau. Trong khi cô Nhung giảng bài cho hai em lớp 4 thì 2 em lớp 3 ôn bài, một em lớp 5 viết tập làm văn. Gọi là 5 lớp học, nhưng chỉ 9 em học sinh. Để lớp nào cũng được học, phải dạy theo phương pháp xoay vòng. Nếu lớp này học toán, thì lớp kia làm văn. Đó là cái khó nhất. Cô trò coi nhau như người ruột thịt. “Những ngày dạy học ở Trường Sa đã rèn luyện cho tôi tinh thần tự lực. Những đứa trẻ thời tôi dạy ở Trường Sa Lớn, nay đã vào lớp 8, lớp 9. Thời gian dạy học ở Trường Sa 5 năm, nhưng đối với tôi đó là những năm tháng đẹp đẽ nhất trong đời dạy học. Vinh dự hơn, tôi được kết nạp Đảng tại Trường Sa. Một vinh dự lớn lao đối với tôi”-cô Nhung hãnh diện.
Để phù hợp với điều kiện sức khỏe và khí hậu, từ năm 2014, việc dạy học cho học sinh ở ba đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa, được ưu tiên cho các giáo viên là nam giới. Ngoài có hộ khẩu ở tỉnh Khánh Hòa, những thầy giáo ra Trường Sa dạy học còn được lựa chọn kỹ lưỡng về sức khỏe, trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị và ý chí vượt khó.
Mai Thắng