Hầu hết 23 triệu học sinh, sinh viên bị “nhốt tại gia” suốt 2 năm qua đã chờ mở trường, chờ “cái ngày này” lâu lắm rồi.
23 triệu học sinh sinh viên đã chờ được "giải phóng" suốt 2 năm qua. Ảnh: Anh Nhàn/Lao động trẻ |
Thầy Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo vừa có một thông điệp gửi tới các thầy cô giáo và học sinh sinh viên cả nước với hai chữ “Khai mở” trên đề tựa.
Và, quan trọng hơn, thông điệp ấy thể hiện một quyết tâm “mở cổng trường”, đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại.
Xuân gắn với sự MỞ (khai), mở vừa có nghĩa là kết thúc của sự đóng, nhưng cũng là sự bắt đầu, sự bắt đầu tốt lành. Từ KHAI (mở) được dùng rất nhiều khi mô tả các hành động của con người mỗi lúc xuân sang. Mùa xuân chồi nhú gọi là khai lộc khai đài, hoa nở khắp nơi, hoa nở gọi là khai hoa. Người viết thì khai bút, cửa hàng thì mở hàng, rồi khai xuân, khai hội... Tháng đông cuối năm bận rộn và u ám, người ta hẹn nhau để ra giêng như lời hẹn sự tiếp nối một cách tốt lành...
Với ngành Giáo dục, theo Thầy Bộ trưởng, quãng thời gian đóng cửa trường học dài đằng đẵng vừa qua như một mùa đông u ám. Xuân đã sang, có một thứ cần KHAI MỞ, dứt khoát cần khai mở, đó là cổng trường học, để thầy cô đón học sinh tới trường học trực tiếp.
“Con người cần dựa vào và theo nhịp tốt lành của tạo hóa, mong vậy và tin chắc là vậy” - chữ của Thầy Bộ trưởng.
Thật sự thì 23 triệu học sinh cả nước đã chờ suốt 2 năm qua, chờ lâu lắm rồi.
Chờ ngày mà các rạp chiếu phim, các khu vui chơi giải trí, tập luyện mở cửa, để khỏi-chẳng hạn phải từ Hà Nội lên Bắc Ninh chỉ để xem một bộ phim.
Chờ ngày trường học thật sự mở cửa để được hưởng niềm vui quá đỗi giản dị là tới trường... để được học hành, được sống một cách bình thường.
Nhưng, nhân hai chữ “Khai mở” rất chi thông tuệ đầy triết lý lắm chữ nghĩa thuận tự nhiên mang tinh thần khai phóng của thầy Bộ trưởng hôm nay, không thể không nhắc tới Thủ tướng Phạm Minh Chính - người đã yêu cầu đưa học sinh tới trường với một hạn định rất cụ thể “Ngay sau Tết Nguyên đán”.
Dịch bệnh sẽ chưa thể chấm dứt một sớm một chiều, nhưng chẳng có cách nào khác, chúng ta phải để con cháu cũng được trở về với cuộc sống “bình thường mới”.
Bởi suy cho cùng, chỉ sự quyết tâm của Thủ tướng là chưa đủ. Nó cần cả sự quyết đoán, chủ động, dám chịu trách nhiệm từ các tư lệnh ngành, từ lãnh đạo các địa phương... để không rơi vào cảnh ngồi chờ đèn xanh, chờ chỉ đạo kiểu cầm tay chỉ việc, hoặc tệ hơn - nay MỞ, mai ĐÓNG, có khi chỉ vì vài ca F0, như đã từng.
ĐÀO TUẤN (LĐO)