Biển đảo Việt Nam

Những ngọn hải đăng ở Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 50 giờ đồng hồ lênh đênh giữa biển khơi mịt mù sóng gió, dấu hiệu đầu tiên để chúng tôi nhận ra đã đến gần với quần đảo Trường Sa là những chớp sáng từ ngọn hải đăng trên đảo Song Tử Tây. Hải đăng đảo Song Tử Tây được xây dựng từ năm 1993 với chiều cao 38 mét, là ngọn đèn được xây dựng sớm nhất và cao thứ 2 trong tổng số 9 ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa.
 

  Ngọn hải đăng đảo Nam Yết. Ảnh: Lê Nam
Ngọn hải đăng đảo Nam Yết. Ảnh: Lê Nam

Hơn 20 năm qua, những bậc thang gỗ dẫn lên ngọn đèn hải đăng của đảo Song Tử Tây đã in dấu chân của biết bao người thợ gác đèn. Hàng ngày, họ cần mẫn làm công việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa để ngọn đèn không bao giờ tắt, giúp tàu thuyền đi lại an toàn. Ánh sáng của ngọn hải đăng đã trở thành cột mốc cho ngư dân hướng về mỗi khi đêm xuống, tạo niềm tin và động lực cho họ an tâm bám biển. Anh Đàm Văn Khôi-Trạm trưởng Trạm hải đăng Song Tử Tây cho biết: Ngọn hải đăng này có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho tàu thuyền qua lại trên vùng biển Song Tử Tây và các vùng biển xung quanh. Đèn quay tự động, sử dụng ánh sáng điện được cung cấp bằng hệ thống điện gió và pin năng lượng mặt trời, hoạt động với cơ chế ánh sáng trắng, chớp đơn, chu kỳ 15 giây. Trong điều kiện thời tiết tốt, từ khoảng cách 22 hải lý (khoảng 40 km), những người đi biển đã có thể nhìn thấy ánh sáng của ngọn hải đăng này. 

Trên đảo Sơn Ca, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, hàng đêm ánh sáng của ngọn hải đăng vẫn luôn soi đường cho tàu thuyền qua lại. Anh Đoàn Văn Tấn-Trạm trưởng Trạm hải đăng tại đảo Sơn Ca cho biết: Trạm được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2010 trên diện tích 400 m2 dựa trên hình mẫu của cột cờ Hà Nội. Hải đăng cao 28 mét, hiệu lực chiếu sáng 15 hải lý. Ngọn đèn tỏa sáng từ 17 giờ 30 phút hôm trước đến 5 giờ 30 phút ngày hôm sau với cơ chế ánh sáng trắng, chớp nhóm 2 chu kỳ 15 giây. Bất kể trong điều kiện nào, những người thợ ở đây luôn bảo đảm đèn hoạt động đúng quy định, đúng thông báo hàng hải quốc tế. Ngoài ra, người thợ phải thường xuyên kiểm tra, đo đạc, thu thập mọi số liệu liên quan đến độ sáng, đặc tính của đèn để báo cáo về đất liền với yêu cầu kịp thời, chính xác, khách quan.
 

 Ảnh: Lê Nam
Ảnh: Lê Nam

Anh Trần Văn Ka-Trạm trưởng Trạm hải đăng đảo Nam Yết cho biết: Tất cả những thông số của hải đăng đã được đăng ký với Hiệp hội Báo hiệu hàng hải quốc tế để ghi lên hải đồ quốc tế về kinh độ, vĩ độ, đặc điểm báo hiệu hàng hải và quốc gia thiết lập. Đây là những dấu hiệu để người đi biển xác định được vị trí, phương hướng, tốc độ, khoảng cách trước và sau con tàu. Người đi biển chỉ cần căn cứ vào đặc điểm của đèn biển đã được đăng ký và thông báo trên hải đồ quốc tế là có thể biết được đó là đèn và vùng biển của quốc gia nào. Đây chính là sự khẳng định chủ quyền biển, đảo của quốc gia.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm