Đông tây kim cổ đã biết bao nhiêu lời tốt đẹp nói về tầm quan trọng của ngôi nhà, nhưng vấn đề cuối cùng là làm sao để có thể sở hữu một góc nhỏ an cư thì chẳng ai có thể thấu đạt. Thế giới hiện cứ 5 người thì có 1 người không có nhà ở, hoặc ở nơi tạm bợ. Còn ở ta, riêng tại các đô thị có khoảng 3,4 triệu người khó khăn về nhà ở và có nhu cầu ổn định chỗ ở. Thủ tướng vừa phê duyệt đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho những người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, từ nay đến 2030. Còn theo Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội đến thời điểm đó cần khoảng 2,4 triệu căn.
Xếp hàng bốc thăm mua nhà ở xã hội sáng 20/5 (Ảnh: Ngọc Mai). |
Trải qua những cơn lốc của thị trường bất động sản, giá đất đai nhà cửa đã được đẩy lên mức không tưởng. Một khảo sát mới đây cho thấy tại TP.HCM, giá nhà đang gấp 34,3 mức thu nhập bình quân của người dân, tại Hà Nội tỷ lệ này gấp 18,6 lần. Tất nhiên không phải tại thành phố nào con số cũng ngất ngưởng như vậy, nhưng bài toán căn hộ cho người lao động nghèo thu nhập thấp vẫn đang thực sự nan giải.
Nơi chốn con người giờ đây đã không còn như muôn thuở. NASA vừa công bố việc xây nhà bằng công nghệ in 3D trên sao Hỏa, cử tình nguyện viên lên sống thử, để dự kiến đến năm 2030 sẽ chính thức đưa con người lên hành tinh lửa này. Còn các nhà khoa học đang bàn đến ngôi nhà như là “hệ sinh thái người-robot”. Ngôi nhà trong kỷ nguyên số, con người sống chung với đủ loại robot, ai sẽ là chủ nhân thực sự?
Nhớ trong tiểu thuyết Suối nguồn in tới 6,5 triệu bản của Ayn Rand, ngay từ những trang đầu, Roak - chàng kiến trúc sư thiên tài khi nhìn thiên nhiên, núi non, vết gỉ quặng sắt xung quanh mình đã nghĩ ngay đến việc chúng sẽ được nhồi thuốc nổ phá tung, được cắt ra cưa xẻ ra, đào bới lên nấu chảy, để làm nên những bức tường, xà nhà, để "nấu chảy luyện thành những trụ sắt vươn thẳng lên trời". Lý tưởng mà Ayn Rand luôn nung nấu, đó là "thế giới như nó phải là", và bà "phẫn nộ một cách sâu sắc với thực trạng của cái thế giới như nó đang là" (things as they are).
Đã tròn 80 năm kể từ khi cuốn sách chào đời, thời gian đủ để thấy rằng khoa học, công nghệ phát triển vũ bão đã để lại vệt ma sát cháy khét trên mọi nẻo đường hành tinh này. Trái đất sắp bốc cháy, không thể háo thắng “khuất phục thiên nhiên” nữa rồi.
Hôm qua, một người bạn vong niên gốc ngoại quốc của tôi một nửa tro cốt đã được vợ cùng các con từ Mỹ và Canada sang rải xuống dòng Thu Bồn, nửa còn lại rải phía bên kia đèo Hải Vân. Ông đã chọn sẵn một nơi chốn cho mình. Như ngôi nhà của ông ở Hội An bao năm qua luôn bỏ ngỏ cổng cửa. Những người bạn quen và không quen trong và ngoài nước cứ việc đặt ba lô tá túc, có khi hàng tháng trời. Nơi chốn con người chia sẻ với nhau, thật đẹp.