Biển đảo Việt Nam

Ốc nhảy đảo Thuyền Chài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một chiều, chờ khi con nước dâng cao ngập bãi san hô, đoàn công tác chúng tôi lên xuồng vào đảo Thuyền Chài để thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Theo Đại tá Phan Ngọc Quang-Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), trưởng đoàn công tác, do nhìn trên bản đồ đảo như một chiếc thuyền của ngư dân nên được đặt tên là Thuyền Chài.

Lính đảo Thuyền Chài B rửa đặc sản ốc nhảy để luộc đãi khách.

Đảo có 3 điểm đảo (A, B và C), mỗi điểm đảo có nhiều nhà nối với nhau bằng hệ thống cầu dẫn nội bộ nhô trên mặt nước. Các điểm đảo tuy nhỏ nhưng cơ sở vật chất, cảnh quan, môi trường được thiết kế đồng bộ, quy củ, ngăn nắp, gọn gàng: nhà làm việc, công sự, lối đi, cầu thang, vườn rau, khu chăn nuôi… Xuồng vừa tới đảo, cả đoàn liền khẩn trương chuyển hàng, quà lên bờ. Các nhà báo cũng nhanh nhảu tay quay, tay máy tìm kiếm khai thác tư liệu để đưa tin viết bài.

Quán triệt nhiệm vụ của trên và phát huy kết quả đạt được, năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Thuyền Chài đã cùng nhau nỗ lực vượt qua những khó khăn như xa đất liền, tính chất cơ động chiến đấu cao, tình hình khu vực quản lý tiềm ẩn yếu tố bất ổn, thời tiết khắc nghiệt... để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, từ công tác sẵn sàng chiến đấu, giáo dục chính trị tư tưởng, hậu cần, bảo đảm kỹ thuật đến công tác dân vận hỗ trợ giúp đỡ ngư dân…

Là đảo chìm nên điều kiện công tác của cán bộ, chiến sĩ trên đảo dù được đầu tư quan tâm cải thiện nhưng khó khăn chưa phải đã hết, nhất là chuyện thực phẩm, rau xanh, nước sinh hoạt. Song nhờ sự năng động, chăm chỉ của các cán bộ, chiến sĩ, những mảnh vườn trên đảo quanh năm xanh tốt những mồng tơi, cải, rau muống, ớt, húng quế... Chuồng trại chăn nuôi lúc nào cũng sẵn sàng đàn vịt nước mặn, đàn heo, gà số lượng vài chục con mỗi loại. Và tất nhiên còn có nguồn thực phẩm quan trọng từ biển.  

Điều thú vị là rặng san hô đảo này có rất nhiều loài ốc, cá tìm đến sinh sống. Thuyền Chài có nhiều loại cá rất ngon như cá thiết giáp, cá bò, cá tráp, cá hải quân, cá sẹo, cá thu, phèn và nhất là nhiều sò ốc như ốc nhảy, ốc càng, ốc nón, ốc tai voi. Theo Thượng úy Trần Ngọc Sáu-Chỉ huy điểm đảo B, hàng năm, đảo đánh bắt đến hàng tấn tôm cá, ốc, thuận lợi nhất là từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Ngay khi đặt chân lên đảo, chúng tôi đã thấy mấy chiến sĩ ngụp lặn bắt cá, ốc làm quà chiêu đãi đoàn công tác. Nhiều nhà báo lấy làm vui thích vì được tặng những con ốc voi, sò tai tượng to đùng ngay tại chân cầu dẫn nội bộ.

Nhưng trên hết, nói đến Thuyền Chài là nói đến loài ốc nhảy. Ốc nhảy sống ở bãi cạn quanh đảo, quanh năm và nhiều vô kể. Chỉ cần đợi thủy triều xuống, bước chân ra khỏi nhà đảo chừng vài chục mét đã có thể thoải mái nhặt ốc. Chúng nằm la liệt chi chít trên rặng san hô xanh nước biển màu ngọc tuyệt đẹp. Chỉ một chốc đã có thể bắt hàng chục ký ốc. Số ốc có đến mấy chục ký tặng đoàn công tác nhưng chiến sĩ chỉ nhặt trong một thời gian ngắn. Ốc nhảy nhiều dinh dưỡng, phổ biến làm món luộc, hấp gừng, sả, xào măng, xào rau cải, hay nấu cháo rất ngon miệng và lành bụng. Ngon nhất là ốc nhảy chấm mắm gừng hay muối tiêu chanh. Lúc các anh nuôi trên tàu đem ốc ra chuẩn bị bữa tối, ống kính máy ảnh, máy quay nhà báo cứ chớp lia lịa. Bữa tiệc ốc nhảy ngon không sao tả xiết. Hàng chục ngày chỉ thịt và cá nên ốc nhảy trở thành cao lương mỹ vị không hơn không kém.

Một vòng quanh các đảo phía Nam quần đảo Trường Sa thấy biển đảo mình thật thiêng liêng, đẹp giàu, đảo nào cũng để lại ấn tượng khó quên. Và có lẽ lưu lại lâu nhất trong ký ức tôi chính là đảo Thuyền Chài.

 Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm