Sự việc đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng “ngã ngựa”, thất thủ hoàn toàn ở tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành đề tài bình luận “nóng” trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều ngày qua. Trước đó, trong cùng một ngày, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt quả tang 2 trường hợp trong đoàn thanh tra này vì nhận tiền hối lộ, khiến cho những đồn đoán về hối lộ trong thanh tra xưa nay có cơ sở hơn.
Đáng chú ý, Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn thanh tra và đang giữ chức Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Bộ Xây dựng, người bị cơ quan công an bắt quả tang về hành vi nhận tiền là nhân vật được nhắc đến nhiều hơn cả.
Dĩ nhiên, sự chê trách của xã hội về hành vi trái bản chất và ý nghĩa trong công việc thanh tra sẽ là chủ đạo. Dư luận “hào phóng” đặt tên cho những “con sâu” làm hỏng “nồi canh” ở sự việc này là những chiếc “kiếm cùn”. Sau sự việc, nhiều người thờ ơ về phát ngôn và lời hứa trước công luận sẽ xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với các cá nhân vi phạm; tuyệt đối không bao che... của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Họ đánh giá, trong hoàn cảnh ấy, lời hứa “xưa như Trái Đất” của người đứng đầu bộ chủ quản cũng giống như lãnh đạo các cơ quan, đơn vị khác đã từng hứa mỗi khi có “cái kim trong bọc” vô tình không tuân thủ “luật ngầm” và bị lòi ra trước ánh sáng.
Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn thanh tra và đang giữ chức Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Bộ Xây dựng,
Trong hoàn cảnh ấy, đó là cứu cách, là phao cứu sinh che lấp bản chất tốt nhất. Dư luận phân tích rằng, do nguyên nhân ăn to, ăn dày, ăn quá sức chịu đựng của đối tượng bị thanh tra nên mới bị lộ, bị tạm giữ. Chứng lý rành rành, không xử đúng, xử nghiêm mà cố tình bao che thì cũng chẳng được. Điều mà dư luận quan tâm là sau sự việc này, Bộ Xây dựng và ngành chức năng sẽ làm gì để lấy lại niềm tin cùng thanh danh thơm tựa hoa nhài của các thanh tra? Cũng có người đặt vấn đề rằng, liệu cơ quan thanh tra, đơn vị đầy quyền lực trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, lực lượng đặc biệt vốn được Nhà nước chi tiền để nuôi dưỡng cái thanh liêm có thực sự được củng cố, để trở thành “thanh bảo kiếm” như kỳ vọng?
Ông Lê Lai, cựu chiến binh cư trú tại xã Ninh Xá (Thuận Thành, Bắc Ninh) phân tích: Lâu nay, cơ chế mang tên gọi “phong bì” vốn không nằm trong bất cứ văn bản pháp quy nào của hệ thống văn bản Nhà nước nhưng có được sức sống mãnh liệt là bởi lòng tham.
Các dự án, công trình giao thông, thủy lợi, nhà ở... được thực hiện từ ngân sách Nhà nước luôn là những “miếng chín” có sức hút rất lớn không chỉ với cơ quan cấp phép dự án, chủ đầu tư, chủ thầu mà cả cơ quan thanh tra, kiểm toán. Để có được dự án, công trình, cơ quan chức năng đặt ra mục đích rất kêu. Đó là những kỳ vọng để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển mà trung tâm được hưởng lợi ích không ai khác chính là người dân.
Ấy nhưng, những công trình, dự án vốn đã phải phải gánh trọng lượng của chính bản thân nó, gánh trọng lượng những vật, người và phương tiện theo chức năng thì chúng còn phải gánh thêm cả các quan tham. Chủ đầu tư, nhà thầu, các bên tham gia dự án không chỉ rút ruột công trình thông qua ăn bớt vật liệu, sử dụng vật liệu không đạt chuẩn mà còn khai báo tăng khối lượng thi công gấp nhiều lần so với thực tế... để nhằm mục đích duy nhất là chia chác lợi ích.
Bộ Xây dựng không nên chỉ đưa ra lời hứa!
Thế nên, câu chuyện sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng vài tháng đã có hiện tượng xuống cấp và hư hỏng không còn là cá biệt. Chính vì mua được thanh danh của các “bảo kiếm” đã khiến cho những kiểu ăn cắp ấy không bị phát lộ. Thế là cái “kim” luôn được bao bọc bởi lợi ích và được ngủ yên trong bóng tối, cho dù nhân dân có nghi vấn cũng không tìm ra chân tướng và căn cứ. Cũng từ đây, những doanh nghiệp sân sau của các cán bộ có chức quyền được hình thành. Bằng nhiều cách tạo ra sự gắn kết bền vững khác nhau, có thể là tỷ lệ phần trăm cổ phần trong doanh nghiệp hoặc là việc tạo ra lợi thế biết trước thông tin, để trúng thầu... sẽ giúp doanh nghiệp lớn nhanh như vũ bão, hơn “Thánh Gióng” trong tuyền thuyết lịch sử dân tộc. Đây chính là nguồn gốc sinh ra tư bản thân hữu, một trong những nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Đảng ta đã xác định.
Sau sự việc này, ông Vũ Kim, một cựu chiến binh từng bị bắt, tù đầy tại Trại giam nhà tù Phú Quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang sinh sống tại Thuận Thành, Bắc Ninh cho rằng đã bày tỏ chính kiến. Ông cho rằng, cần làm rõ xem, liệu việc lực lượng thanh tra của Bộ Xây dựng nhận tiền để bỏ qua sai phạm cho doanh nghiệp và chủ đầu tư là việc cá biệt hay đã phổ biến từ lâu. Bởi gần đây, lực lượng thanh tra bị “bóc phốt” vì làm tiền khá nhiều. Nếu cơ chế kiểm soát quyền lực từ trên xuống không hiệu quả thì cần phải thành lập lực lượng thanh tra độc lập gồm những chuyên gia uy tín, nhưng người giỏi chuyên môn và đạo đức trong sạch để giải quyết bài toán này. Tiếng nói của lực lượng thanh tra độc lập chính là “cái roi” có thể hy vọng quét sạch tham nhũng và lợi ích nhóm ngay cả với những công trình, dự án đã từng được thanh tra trong quá khứ.
Suy cho cùng, thực chất của việc thanh tra chính là kiểm soát quyền lực trong nội bộ cùng cấp hoặc từ trên xuống. Nếu “thả lỏng” hoặc “làm ngơ” để lực lượng thanh tra kiếm tiền đút túi cá nhân thì hậu quả để lại sẽ rất nặng nề và quan trọng hơn là làm cho vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan công quyền bị lu mờ, không còn xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân.
Lan Phạm (Viettimes)