Theo thông tư mới nhất của Bộ Nội vụ, từ ngày 1-8 sẽ chính thức bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.
Trước đó, Bộ Nội vụ đã đề xuất tới Thủ tướng về việc bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức…
Ảnh minh hoạ |
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, phải quyết tâm cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp, để giảm gánh nặng đối với công chức, viên chức; một mặt đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức đi vào thực chất, khoa học hơn.
Yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học có thể xem là điển hình về bệnh hình thức tồn tại nhiều năm liền trong nền hành chính công vụ của nước ta; bày vẽ ra chứng chỉ song chất lượng công chức, viên chức không tương đồng. Không ít công chức, viên chức có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng sử dụng máy tính thì lóng ngóng, những thủ thuật phổ biến nhất cũng không biết; gặp người nước ngoài thì không giao tiếp được. Ai cũng biết chứng chỉ ấy là "chạy", là mua ở các trung tâm ngoại ngữ, tin học để nộp vào.
Theo ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, những chứng chỉ này như "giấy phép con", làm cho quá trình thực thi công vụ của công chức, viên chức thêm nặng nề. Phải bỏ đi những thủ tục không cần thiết để bớt sức ì cho quá trình vận hành bộ máy, để công chức, viên chức có năng lực có cơ hội thăng tiến tốt hơn. Từ đó tạo ra sự thông thoáng trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, quan hệ nhà nước với người dân...
Chủ trương mới nói trên của Bộ Nội vụ là rất thức thời, đáng hoan nghênh. Những chứng chỉ bày vẽ ra cho có, không thực chất thì bỏ đi là phải, bớt lãng phí, tiêu cực xã hội. Bên cạnh sự mạnh dạn của Bộ Nội vụ, rất cần các cơ quan, chính quyền địa phương đồng lòng, thể hiện qua việc chọn người có năng lực thực sự, giỏi kỹ năng, thông thạo ngoại ngữ để có được đội ngũ công chức, viên chức làm được việc. Lựa chọn đội ngũ qua thi tuyển công bằng, qua các hình thức sát hạch nghiêm túc, không du di để tạo ra sự cồng kềnh trong bộ máy, thêm gánh nặng cho ngân sách như trước đây.
Bằng cấp là quan trọng, chứng chỉ là cần thiết, song không phải là tất cả và lại càng không thể là những bằng cấp, chứng chỉ có được do "chạy chọt", không phải do tự học mà có. Trong sự phát triển của đất nước hôm nay, đội ngũ công chức, viên chức đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Bài toán nâng chất lượng công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều, ai cũng mong giảm đi cảnh công chức, viên chức "sáng cắp ô đi tối cắp về" mà chẳng làm được việc và thực hiện thật tốt việc tinh giản biên chế. Phải xây dựng đội ngũ công chức, viên chức "vừa hồng vừa chuyên" đất nước ta mới có nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu quả, nâng cao chất lượng công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Bộ Nội vụ đã "phát pháo" để toàn ngành và xã hội thay đổi nhận thức trong đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng đến phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ thay vì chỉ quan tâm đến bằng cấp chứng chỉ.
THÔNG ĐẠT
(Dẫn nguồn NLĐO)