Đến năm 2045 đặt mục tiêu hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam và 99% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thoả ước lao động tập thể.
Đó là nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 12.6.2021.
Để đạt mục tiêu đó, Nghị quyết đưa ra các mốc để phấn đấu rất rõ ràng: Đến năm 2023 có 12 triệu đoàn viên công đoàn, đến năm 2025 có 13,5 triệu đoàn viên công đoàn, đến năm 2030 có 16,5 triệu đoàn viên công đoàn. Và đến năm 1945- kỷ niệm 100 năm thành lập nước đặt mục tiêu hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam.
Mục tiêu này không dễ. Ngay tại Nghị quyết 02 đã đặt ra nhiều thách thức cho tổ chức Công đoàn. Trong đó có những lý do chủ quan như “Công tác phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, người lao động; chất lượng đoàn viên chưa cao, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở còn hạn chế”. Hay lý do khách quan như “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động…”.
Càng khó, càng phải làm, càng phải nỗ lực. Hôm 30.9, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Triển khai kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở đến năm 2023, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã khẳng định quyết tâm: “Trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chúng ta chỉ bàn tiến, không bàn lùi”.
Bàn tiến nghĩa là phải có những giải pháp đổi mới hoạt động, nâng cao vai trò vị trí của tổ chức Công đoàn, quan tâm đến quyền lợi trước mắt và cả lâu dài của đoàn viên, người lao động.
Đổi mới phải bắt đầu từ cơ sở. Đã có lúc, cán bộ công đoàn cơ sở chỉ “tròn vai”, chỉ xuất hiện trong những hoạt động thăm hỏi gắn với “cân đường, hộp sữa”.
Để đoàn viên, người lao động hiểu, tin và theo tổ chức Công đoàn thì bám sát từng nhu cầu của lực lượng lao động. Công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động phải vừa cụ thể, thiết thực lại vừa phải có tính bao quát và lâu dài như vấn đề lao động tiền lương, vấn đề nhà ở cho công nhân, vấn đề với lao động nữ, vấn đề tiếp cận với công nghệ, vấn đề nâng cao tay nghề trình độ để đáp ứng Cách mạng công nghiệp 4.0…
Phát triển đoàn viên công đoàn chỉ đạt được mục tiêu chỉ khi người lao động cảm nhận được một cách chân thực, rõ nét, cụ thể những quyền lợi mà tổ chức mang lại.
Đó sẽ là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội để tổ chức Công đoàn tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình. Điều đó cần quyết tâm “chỉ bàn tiến - không bàn lùi” và có giải pháp để thực hiện bằng được mục tiêu của Nghị quyết 02.
Theo Hoàng Lâm (LĐO)