Biển đảo Việt Nam

Quản lý, bảo vệ và chính sách quản lý bảo vệ biển của nước ta

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định về những vấn đề liên quan đến nội dung nói trên, cho thấy việc quản lý, bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế khác mà nước ta là thành viên. Theo đó, các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.

  Tàu Cảnh sát Biển Việt Nam trong một chuyến tuần tra (nguồn: nld)
Tàu Cảnh sát Biển Việt Nam trong một chuyến tuần tra (nguồn: nld)

Biển Đông, đặc biệt là vùng biển, đảo của nước ta có vị trí quan trọng, có vai trò to lớn đối với kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... Tiềm năng của biển, đảo vô cùng to lớn nhưng chưa được hoặc chưa có điều kiện khai thác phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó có nguyên nhân riêng của nó, trong đó nguyên nhân trước tiên là bởi đất nước ta liên miên phải dốc sức người, sức của để thực hiện các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; nền kinh tế sau chiến tranh chịu nhiều hậu quả của kinh tế thời chiến cho nên việc đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ về biển để khai thác, bảo vệ biển còn bất cập. Trong khi đó, tình hình tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực biển Đông ngày một tăng, nhất là nước láng giềng Trung Quốc. Họ đã dùng nhiều thủ đoạn để chiếm các đảo, quần đảo và vùng biển của nước ta. Cách nay chưa lâu, sau vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép bị nhân dân ta và cộng đồng thế giới quyết liệt lên án, Trung Quốc đã rút giàn khoan ra ngoài vùng biển của ta, thế nhưng những âm mưu, thủ đoạn và việc làm trái phép trên vùng biển nước ta họ vẫn chưa từ bỏ. Có thể nói, đối với Trung Quốc, từ trước đến nay, và sẽ trong tương lai, họ chưa từng lúc nào không tỏ rõ, từ bỏ bản chất bá quyền, thâu tóm cả biển Đông. Điều đó mọi công dân Việt Nam, mọi giai đoạn lịch sử, nhất thiết chúng ta không được quên.

Luật Biển của chúng ta về xử lý, điều chỉnh vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp lãnh hải trên cơ sở “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế biển”. Và khẳng định: “Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo... bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đồng thời theo pháp luật và thực tiễn quốc tế. Để phát triển kinh tế biển trong điều kiện hiện nay và cho tương lai, Luật Biển Việt Nam cũng quy định: “Xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, khai thác, bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo một cách bền vững phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh”.

Để thực hiện nội dung đó, Luật Biển tiếp tục khẳng định “Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ vào việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển... Bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển, bảo hộ hoạt động của tổ chức, công dân Việt Nam ngoài các vùng biển Việt Nam phù hợp pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên... Đầu tư bảo đảm hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển... Thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo...”.

Những điều nói trên thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta tiếp tục noi theo truyền thống đấu tranh anh dũng trong việc giữ gìn, bảo vệ biển đảo của chúng ta. Những thế hệ người Việt Nam quyết không thể để biển đảo thuộc chủ quyền của mình rơi vào tay bọn bành trướng, luôn âm mưu xâm chiếm biển đảo của ta. Và việc thực hiện công việc đó, theo phương pháp trước hết là hòa bình, đúng quy định của luật pháp quốc tế. Đồng thời với đó, người viết bài này luôn tin rằng, mọi người Việt Nam chúng ta mang dòng máu yêu nước, thương nòi luôn sẵn sàng khi Tổ quốc cần thì cầm súng chống lại mọi thế lực xâm lăng để bảo vệ biển đảo, bờ cõi thiêng liêng mà tổ tiên đã bao đời khai thiên lập địa để lại cho chúng ta ngày nay!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm