Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Quảng ơi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nắng tháng chín luồn qua mấy cái nóc nhà rồi thả giọt vàng loang lên từng bờ tường. Gió cũng ngoan hơn không hộc tốc phả cái hanh nồng lên thị thành. Giọng bà vé số như còn ngái ngủ sau một đêm mưa mát lành. Bả kéo cái ghế, ngoắc cha già bolero biểu cho ly phê sữa đi cha nội. Nay tui mần việc lớn nhen, tui dắt ông Quảng đi chợ. Cha nội đó mắc chi mà cứ nằng nặc đòi đi chợ. Giọng chát khó nghe thí mồ. Nhìn ổng cứ khắc khổ, cái mặt chẳng có mùa xuân. Nếp nhăn ổng xếp li như đất miền Trung cằn cỗi nứt toạc lên phận đời người xứ đó. Xứ gì khô đến đất còn nứt. Huống chi con người ta.
Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Quán cà phê cóc đầu hẻm nhỏ sáng nào cũng là nơi tụ bạ của mấy ông bà già. Kiểu như chuyện làng chuyện xóm, chuyện nhà chuyện cửa, kể ra gật gù và dặn nhau đừng nói ai nghe. Vậy đó, chứ mới tí xíu là cả xóm biết hết. Xóm gì lạ đời.

Cô con dâu bảo tưởng ba nói chơi đâu ngờ làm thiệt. Mà bán cái chi sao lại quảy gánh. Thiệt nhà mình không giàu nhưng tụi con nuôi nổi ba mà. Đó là cái hôm ông nấu mỳ Quảng Phú Chiêm. Hai thằng cháu ăn xong nhảy tung tăng đưa ngón cái lên ra dấu số 1. Cô con dâu thở dài ngậm ngùi chờ tối trời nhờ chồng can ngăn.

Trằn trọc mãi thì cô con dâu cũng đợi được anh chồng về. Trong cơn say chếnh choáng, anh chồng chợt thấy trên bàn ăn còn tô mỳ Quảng mà ba mình để phần lại. Anh đun cho nước nhưn nóng lên và chan vào. Cô vợ thắc mắc nay chồng mình khác lạ. Mọi khi tiếp khách về trễ có bao giờ chịu ăn thêm gì đâu. Từng đôi đũa gắp lên là từng ánh mắt dịu vợi.

Hồi ấy nội gánh mỳ đi khắp nơi để nuôi ba. Khắp Điện Phương rồi thì Vĩnh Điện. Cứ vậy mà đôi dép nội mòn vẹt. Ba từ nhỏ đã lặn lội theo nội. Gánh mỳ Quảng nuôi cả nhà mấy miệng ăn sau khi ông nội nằm lại tại trận Núi Thành một mùa hè năm 1965. Đại đội 2 của tiểu đoàn 70 ngày ấy nhận nhiệm vụ đánh chiếm hai ngọn đồi 49 và 50. Khúc hoàn ca tung bay theo ngọn cờ, nụ cười ông nội hòa lẫn đất Quảng mặn mà.

Mỳ Quảng Phú Chiêm sợi mỳ phải làm từ loại gạo xiệc ngon của những cánh đồng phù sa ven sông Thu Bồn. Gạo xay mịn tràng ra từng lá mỳ trắng nõn, mềm mướt dẻo dai rồi mới xắt thành cọng. Hay như củ nén cũng phải bóp vỏ khô rồi mới đem giã và ướp với thịt, phi cùng dầu phụng khi xào nhưn. Mỳ Quảng mà thiếu củ nén thì không ra vị mỳ.

Cô vợ lặng im ngồi nghe chồng mình khẽ khàng. Đêm nổi gió bát ngát lòng. Mấy chuyện định bụng sẽ nói cũng trôi theo gió bềnh bồng qua phố.

Hồi ông Quảng mới lên thị thành, thằng con chở ổng ngang cái quán cóc, đã thấy dân tình túm tụm lại chỉ trỏ. Ông Quảng bảo thằng con xóm chi rảnh dữ trời. Làm ăn không lo, mắc chi ngồi cà phê miết. Giờ này ngoài mình là đã đi ruộng. Giờ này ngoài mình là đã cắt cỏ cho bò. Hay đại thể cũng là giờ phải ăn trưa. Cũng có lần ông Quảng hỏi bộ dân thành phố họ uống cà phê để sống hay răng mà lúc mô cái quán đầu hẻm cũng có người ngồi. Thằng con bôn ba thị thành đâu chừng hơn hai chục năm cười nhẹ tênh. Ba ở riết rồi quen. Trăm cái xóm nhỏ ở thành phố này, là trăm cái quán lóc cóc cà phê như vậy. Cũng là trăm câu chuyện vui.

Cậu con trai cứ thúc giục và nằn nì từ ngày mẹ mất. Ba lủi thủi chi một mình ở quê. Con cái tứ tán muôn phương làm ăn, thoảng khi mới về ngày giỗ hay tết. Ông già rồi cũng tròm trèm bảy chục. Cứ lên thành phố, chừng chán rồi, không sống được hãy về. Coi như cho con cái yên tâm. Cũng coi như cho con cái báo hiếu. Ông nghe mấy đứa con nói vậy thì gật gù. Thôi thì thử một lần lên đó sống. Sống không được thì về cũng chẳng muộn. Ông khép cổng nhà. Gói cái hình bà theo. Hôm đó xứ Quảng mưa thể như lụt nguồn trôi trái lòn bon.

Cái gánh mỳ Quảng đặt ngay đầu hẻm nhỏ. Con hẻm bỗng thơm phưng phức mỗi buổi sáng. Bà già bán vé số cười tươi như hoa, chạy tới chạy lui bưng mỳ. Ông già bolero cứ nhắc khách cà phê ăn sáng mỳ Quảng đi. Mỳ chánh tông người Quảng nấu đó nhen. Cha già Quảng này hay lắm. Hay hết phần thiên hạ! Hay nhất là nghe ổng nói. Hiểu hay không kệ. Cái giọng cục mịch nghe tự dưng vui tai.

Không biết chuyện ông Quảng hay ra sao nhưng cái gánh mỳ Quảng tọa lạc nơi xóm nghèo chỉ mười lăm ngàn mà ngon hết sẩy thì thiên hạ bắt đầu râm ran. Giờ người ta bán mỳ Quảng trong nhà hàng máy lạnh, trong quán ăn hay ít ra cũng có cái xe.

Ông già Quảng tự dưng đòi bán gánh. Đặt cái gánh rồi nồi nước nóng, rồi nồi nhưn, rồi mâm mỳ, mớ rau. Cái gánh quê mùa vậy mà tự dưng khách ghé tới tấp. Khách ăn xong hỏi ông già Quảng mỳ này vị lạ quá chừng. Phải Quảng rặt không ông ơi. Ổng già Quảng cười phớ lớ. Chớ giọng ni không phải giọng Quảng hề? Mỳ Quảng Phú Chiêm.

Khách ăn lại dắt thêm bạn bè. Gánh mỳ Quảng làm buổi sáng thêm chộn rộn. Mấy ông bà già xóm nhỏ bắt đầu có thêm việc để không rảnh tay chân, có thêm chuyện để nói, dĩ nhiên thêm luôn chút tiền chia nhau cuối ngày. Bà vé số ngày thêm trăm ngàn, ông bolero cũng thêm từng ấy từ tiền bán nước. Xóm vui quá chừng.

Thiên hạ bu đông bu đỏ, xếp hàng tự bưng tô mỳ Quảng, tự trả tiền, tự kiếm ghế ngồi ăn. Ngày bán tầm trăm tô. Thiên hạ hỏi cái gánh này tên gì để giới thiệu bạn bè. Ông già Quảng cất giọng. Tiếng Quảng đặc quánh thiên hạ nghe không ra. Lừng khừng hỏi lại. Ai đó nói thôi kệ.

Ổng người Quảng, bán mỳ Quảng, nói giọng Quảng, vậy kêu Quảng ơi là ổng biết ngay. Cả đám đông cười rào rạo. Ông già Quảng cũng cười. Nhốn nháo vậy nên đâu ai để ý, phía đằng sau, nhỏ con dâu mắt rưng rức đỏ. Gió tháng chín hiền queo, hiền như ông già Quảng.

Có thể bạn quan tâm