Thời sự - Bình luận

Quyết lệnh từ Thủ tướng!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ đạo của Thủ tướng là cương quyết bãi bỏ những quy định rườm rà. Những gì pháp luật không cấm thì để người dân, DN làm và khuyến khích đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung...

Luôn có một độ vênh giữa quản lý nhà nước và đối tượng bị quản lý là người dân và doanh nghiệp trong vận hành xã hội, đặc biệt là đối với vấn đề liên quan đến tự do kinh doanh và trách nhiệm của Nhà nước thông qua các thủ tục hành chính.

Nhà nước thường có xu hướng ban hành nhiều quy định để quản lý một cách đầy đủ và chặt chẽ; còn người dân, doanh nghiệp (DN) thì lại mong muốn có ít quy định để rộng cửa làm ăn.

Hai xu hướng và mong muốn dường như trái chiều ấy đều có lý riêng. Nhà nước pháp quyền cần hệ thống pháp quy để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lợi ích cộng đồng. Người dân và DN dù được hiến pháp ghi nhận, tôn trọng các quyền tự do cũng cần tuân thủ các quy định, thủ tục hành chính để nhu cầu của mình không ảnh hưởng đến người khác, chủ thể khác.

Bối cảnh xã hội mỗi thời lại đặt ra những yêu cầu mới về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, trật tự, an toàn xã hội và lợi ích cộng đồng. Luật pháp cứ phải được ban hành để điều chỉnh hành vi xã hội trong bối cảnh mới. Bởi vậy, công cuộc cải cách hành chính là quá trình thường xuyên, liên tục. Tuy vậy, nó vẫn phải tuân theo một quy luật chung.

Quy luật ấy được cụ thể hóa trong Công điện 644 ngày 13-7 của Thủ tướng và chỉ đạo trực tiếp cũng của Thủ tướng trong phiên họp thứ năm của Ban chỉ đạo cải cách hành chính ngày 19-7.

Điểm đáng lưu ý nhất trong chỉ đạo của Thủ tướng là: “Cương quyết bãi bỏ những quy định rườm rà. Những gì luật không cấm thì để người dân, DN làm và khuyến khích đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, không ban hành thêm các văn bản để cản trở, làm tăng chi phí tuân thủ cũng như khả năng phát sinh tiêu cực…”.

Theo nguyên lý “chi phí pháp luật rất đắt đỏ”, bởi ngoài chi phí ban hành các quy định, thủ tục hành chính thì chi phí tuân thủ của DN, người dân là rất lớn.

Theo các nghiên cứu của PCI, PAPI, SIPAS hay các nghiên cứu của các viện, trường được công khai thì ngoài chi phí chính thức còn có cả các chi phí… không chính thức mà người dân, DN ít khi phản ánh công khai. Những chi phí không chính thức ấy đôi khi chỉ được công khai tại các phiên tòa như phiên tòa “chuyến bay giải cứu” đang diễn ra. Ở đó, mức chi phí không chính thức mà các DN phải nộp dường như mới được cụ thể và có đối chứng xác thực.

Chi phí không chính thức ấy vừa làm tăng “chi phí tuân thủ” mà Thủ tướng đề cập, vừa làm chi phí cơ hội mất đi khi người dân, DN có thể lỡ những thời điểm vàng để quyết định các công việc, dự tính, dự án hợp pháp… của mình. Mà nếu muốn được việc thì DN, người dân lại cần bỏ ra… chi phí không chính thức. Cái vòng luẩn quẩn ấy nhiều năm nay được nhắc hoài nhưng dường như chưa được giải quyết triệt để như mong muốn của Thủ tướng.

Đương nhiên, như đã nói, một hệ thống pháp luật là cần thiết để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lợi ích cộng đồng. Nhiều phân tích đã chỉ ra: Chỉ khi nào các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính được thực hiện một cách công khai, minh bạch thì khi đó người dân, DN mới thôi than vãn là bị “hành là chính” trong mối quan hệ với cơ quan công quyền.

Mà chuyện công khai, minh bạch thực ra không khó nếu mọi chủ thể trong xã hội đều “dám nghĩ, dám nói, dám làm…” vì lợi ích chung.

Có thể bạn quan tâm