Multimedia

Emagazine

E-magazine “Sách cho tôi, cho bạn”




Sáng 15-4, hàng trăm học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP. Pleiku) háo hức tập trung về sân trường để tham gia “Ngày hội kể chuyện” do điều phối viên của chương trình “Liên hoan kể chuyện cho trẻ em năm 2023” phối hợp với nhà trường tổ chức. Đây là dự án do Cộng đồng Giáo dục Reggio Emilia tại Việt Nam (VIRES) điều phối, tổ chức tại 19 tỉnh, thành trong cả nước nhằm nhấn mạnh ý nghĩa gắn kết của những không gian kể chuyện, phát huy trí tưởng tượng và tiềm năng của trẻ em, góp phần lan tỏa văn hóa đọc.



Trong không khí hào hứng, các em học sinh được nghe kể câu chuyện cổ tích Việt Nam “Nhổ củ cải” bằng hình thức rối bóng hộp. Điều khiến học sinh thích thú là chứng kiến các bạn thực hiện lồng tiếng tại chỗ cho nhân vật. Câu chuyện không lạ với nhiều khán giả nhỏ tuổi nhưng cách thức thể hiện mới mẻ đã thu hút các em. Tiếp đó là một câu chuyện ngụ ngôn Ê-dốp được thể hiện bằng hình thức kịch tiếng Anh, phần kể chuyện theo tranh (tranh gợi ý, học sinh tự ứng tác).

Em Lê Văn Tuấn Anh-học sinh lớp 5.4 tham gia lồng tiếng tiết mục rối bóng hộp “Nhổ củ cải”. Em cho hay: Để có thể lồng tiếng thành thục, em và các bạn phải mất 3 tuần tập luyện nhưng ai cũng rất hào hứng.



Còn cô Trần Thị Kim Tuyến-Hiệu trưởng nhà trường thì thông tin: “Từ khi biết trường sẽ tổ chức hoạt động này, em nào cũng phấn khởi, mong muốn chọn những câu chuyện hay để giới thiệu đến ngày hội. Đây là hoạt động thiết thực, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong học sinh”.

Sau “Ngày hội kể chuyện” tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, chương trình tương tự được tổ chức cho trẻ em ở Làng trẻ em SOS Pleiku, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh và Trường Mầm non tư thục Tuổi Thần Tiên (TP. Pleiku) trong 2 ngày 20 và 21-4. Lần đầu tiên được nghe kể chuyện bằng các hình thức rối bóng hộp, sân khấu hóa, truyện thơ, kể chuyện lồng ghép trò chơi… em nào cũng thích thú. Những câu chuyện có nội dung gần gũi như: Người mẹ ăn xin; Bác Hồ đến thăm các cháu ở trại mồ côi Kim Đồng; Đôi dép Bác Hồ; Mạc Đĩnh Chi-cậu bé bán củi thành Lưỡng quốc Trạng nguyên; Rùa học bay; Cáo, Thỏ và Gà Trống… đã mang đến cho các em nhiều thông điệp hay, bồi đắp kỹ năng sống và khơi dậy tính sáng tạo.



Góp công rất lớn để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng những năm qua chính là đội ngũ cán bộ, viên chức Thư viện tỉnh. Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, từ ngày 15-3, Thư viện tỉnh phối hợp với trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao 9 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh tổ chức ngày hội đọc sách, thu hút hàng ngàn độc giả tham gia.



Sáng 20-4, thêm một hoạt động nổi bật của đơn vị là tổ chức trưng bày, giới thiệu sách và các mô hình xếp sách nghệ thuật tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Trong khuôn khổ chương trình còn có các nội dung: thế hệ trẻ hưởng ứng kêu gọi đọc sách; đọc sách báo tự chọn; tặng sách cho 4 trường THPT phối hợp tốt với Thư viện tỉnh trong công tác tuyên truyền, giới thiệu sách (chuyên Hùng Vương, Phan Bội Châu, Pleiku, Lê Lợi) và các em học sinh có bài giới thiệu, chia sẻ sách hay.

Đặc biệt, chương trình càng thêm cuốn hút nhờ buổi nói chuyện của Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà-nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) về chủ đề “Phát triển văn hóa đọc và tầm quan trọng của việc đọc sách trong đời sống”. Qua gần 40 năm gắn bó với công tác thư viện, Tiến sĩ Ngà đã dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, vận động và trao tặng hàng chục vạn cuốn sách cho các thư viện. Bà cũng là người đề xuất xây dựng mô hình “xe thư viện lưu động đa phương tiện”, lập kênh YouTube “Cùng bạn đọc sách”, mở rộng các phương thức tiếp cận sách trong cộng đồng.



Là 1 trong 18 học sinh được Thư viện tỉnh biểu dương dịp này vì thường xuyên cộng tác để giới thiệu và chia sẻ sách hay, em Nguyễn Võ Ka Thy-học sinh lớp 10A8 Trường THPT Lê Lợi-chia sẻ: Em trở thành cộng tác viên Thư viện tỉnh từ đầu năm học 2022-2023 đến nay. Vào tuần đầu tiên của mỗi tháng, Thy cùng các cô ở Thư viện giới thiệu đến các bạn 1 cuốn sách hay thông qua buổi chào cờ đầu tuần. Bên cạnh đó, em còn thực hiện thu âm các bài giới thiệu sách để đăng trên Fanpage của Thư viện tỉnh. “Em yêu thích việc đọc sách vì sách mang đến nhiều kiến thức hay, giúp tăng tính tập trung, rèn sự trầm tĩnh. Với em, sách là chìa khóa dẫn tới thành công”-Thy bày tỏ.



Tiếp nối chuỗi hoạt động ý nghĩa nhằm lan tỏa văn hóa đọc, sáng 21-4, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng UBND huyện Ia Grai tổ chức lễ phát động điểm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Trường THPT Phạm Văn Đồng. Chương trình gồm các nội dung: trưng bày 5.000 đầu sách và một số mô hình xếp sách nghệ thuật; đố vui về sách; đọc sách tự chọn; trao quà khuyến đọc của Thư viện tỉnh cho học sinh. Thầy Nguyễn Trọng Tuấn-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng-kỳ vọng: Qua lễ phát động điểm, nhà trường mong muốn tạo cho học sinh thói quen đọc sách, biết cách tự học, tự tiếp cận với nhiều loại sách báo. Các em có thể tìm thấy niềm vui trong việc đọc sách và hình thành thói quen hữu ích này để có thể tiếp tục học hỏi và trưởng thành. Đọc sách còn giúp học sinh tìm hiểu nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau, từ đó tự tin hơn trong học tập, giao tiếp.



Cũng theo thầy Tuấn, thời gian tới, nhà trường sẽ phát động rộng rãi phong trào đọc sách trong giáo viên, học sinh; tôn vinh văn hóa đọc thông qua chương trình phát thanh của Đoàn trường; hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh khai thác, sử dụng tài nguyên sách, các loại tài liệu và tài liệu điện tử hiện có ở trường để phục vụ học tập và giảng dạy.




Với nỗ lực tuyên truyền nhiều năm qua của các cơ quan, đơn vị và những cá nhân mê sách, văn hóa đọc dần lan tỏa đến mọi đối tượng, tầng lớp. Đặc biệt, tại các đơn vị lực lượng vũ trang, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được hưởng ứng tích cực với mục tiêu nâng cao kiến thức, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.



Đơn cử, nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, Bộ Tham mưu Quân đoàn 3 đã có hướng dẫn tổ chức rất chi tiết với yêu cầu đưa ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới; tổ chức câu lạc bộ về sách, phát huy công năng của các tủ sách pháp luật ở đại đội, hướng dẫn kỹ năng đọc sách. Cùng với đó, tổ chức cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, tọa đàm, thi kể chuyện, sân khấu hóa, làm theo sách, tuyên truyền giới thiệu sách; phối hợp với địa phương nơi đóng quân tổ chức các hoạt động triển lãm, hội sách; treo pa nô, băng rôn, khẩu hiệu về sách và tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ của đơn vị, tạo không khí sôi nổi và có ý nghĩa lan tỏa cao.



Thiếu tá Đỗ Quang Huy-Chính trị viên phó Tiểu đoàn 27 (Bộ Tham mưu Quân đoàn 3) cho biết: “Đơn vị liên hệ với Thư viện tỉnh để luân chuyển sách và nhờ hỗ trợ xếp sách nghệ thuật với mô hình Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), hình tượng cờ búa liềm; tổ chức các buổi giới thiệu sách…, từ đó phát huy giá trị của sách, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ”.



Ngoài nỗ lực của các cấp, các ngành, văn hóa đọc còn lan tỏa mạnh mẽ nhờ những cá nhân tâm huyết. Hơn 1 năm nay, trong con hẻm nhỏ ở đường Đinh Công Tráng (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) có 1 trạm đọc miễn phí đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của khá nhiều em nhỏ vào mỗi chiều chủ nhật hàng tuần. Người lập ra trạm đọc này là bà Nguyễn Thị Lan (64 tuổi). Từ niềm đam mê bất tận với những trang sách, bà đã mở trạm đọc với mong muốn “các bạn trẻ đọc sách nhiều hơn là chơi điện thoại”. Không chỉ có hơn 700 đầu sách các loại, nơi đây còn bài trí không gian để các em nhỏ thỏa niềm đam mê sáng tạo của mình với thú vui vẽ tranh, tô tượng… “Từ ý tưởng cho đến khi hình thành trạm đọc chỉ mất thời gian ngắn. Tôi thấy trẻ con bây giờ ít đọc sách không phải vì các cháu không thích mà do bị cuốn vào các phương tiện công nghệ. Từ khi mở trạm đọc, tôi nhận thấy thực ra nhiều em nhỏ rất thích đọc sách. Tôi mừng vì mình đã góp phần nhỏ để lan tỏa văn hóa đọc”-bà Lan chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm