Thời sự - Bình luận

Sầu riêng, chanh dây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Cơ hội xen lẫn thách thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ tháng 7 này, chanh dây và sầu riêng của Việt Nam được Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch, trở thành 2 loại trái cây thứ 10 và 11 của Việt Nam được phép xuất khẩu vào quốc gia tỷ dân. Việc xuất-nhập khẩu được thực hiện qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) gồm: Hữu Nghị quan, Pò Chài, Ga Đường sắt Bằng Tường, Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.

Đây quả là một tin vui cho ngành nông nghiệp Việt Nam, mà trực tiếp là nhà vườn và doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi. Nhất là khi chanh dây và sầu riêng là 2 thế mạnh trong ngành cây ăn trái của Việt Nam với vùng trồng rộng lớn khắp cả nước.  

Vườn chanh dây của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang). Ảnh: Nguyễn Diệp


Thống kê của Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, chanh dây đang được trồng tại 46 địa phương với diện tích khoảng 6.000 ha, tập trung nhiều nhất ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Còn sầu riêng, cả nước hiện có khoảng 15.000 ha. Cây sầu riêng được trồng chủ yếu ở các tỉnh thành Nam Bộ như: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, TP. Hồ Chí Minh. Khu vực Tây Nguyên có khoảng 7.000 ha, tập trung ở Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng, Gia Lai…

Năm ngoái, sản lượng sầu riêng cả nước đạt 642.600 tấn, tăng 15% so với năm 2020. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chiếm phần lớn, mặc dù mới xuất khẩu tiểu ngạch. Còn chanh dây được xếp vào tốp 10 loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021. 5 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh dây của Việt Nam tăng hơn 300%, chỉ đứng sau Brazil, Peru và Ecuador. Năm nay, sản lượng chanh dây cả nước ước tính 135.000 tấn. Lợi nhuận từ cây chanh dây có thể lên tới 350-400 triệu đồng/ha.

Tại Tây Nguyên, chanh dây trồng nhiều nhất tại 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak. Hiện tỉnh Gia Lai có khoảng 14.500 ha cây ăn quả các loại, trong đó có hơn 600 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP. Với lợi thế về đất đai, khí hậu, chanh dây tiếp tục được xác định là 1 trong 4 cây ăn quả chủ lực của tỉnh Gia Lai với 4.000 ha, nhiều nhất cả nước. Dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 20.000 ha, trở thành thủ phủ chanh dây của Việt Nam.

Không chỉ chanh dây và sầu riêng, nhiều loại trái cây khác như bơ, xoài, quýt đường, mít, bưởi da xanh, mãng cầu giai, chuối, cam... cũng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Đó là cơ sở để tỉnh Gia Lai đề ra mục tiêu mở rộng diện tích cây ăn quả lên 55.000 ha vào năm 2025 và 100.000 ha vào năm 2030.

Được thị trường Trung Quốc chấp nhận, đầu ra cho trái sầu riêng và chanh dây Việt Nam sẽ rất lớn. Tuy nhiên, cuộc chơi chính ngạch đòi hỏi nhà vườn và doanh nghiệp xuất khẩu phải hiểu luật để làm đúng quy trình, duy trì nguồn hàng ổn định và đạt chất lượng mới mong giữ được thị trường. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề xây dựng thương hiệu để trái cây Việt Nam cạnh tranh được với trái cây Thái Lan, Malaysia cũng là một thách thức không nhỏ. Bởi việc xuất khẩu sầu riêng và chanh dây của họ vào Trung Quốc đã thực hiện từ lâu. Nghĩa là thị phần của 2 nước này tại thị trường đông dân nhất thế giới đã được đảm bảo. Đó là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Để trái cây nói chung và sầu riêng, chanh dây nói riêng đảm bảo chất lượng xuất khẩu, ngoài các yêu cầu về kiểm dịch thực vật trước xuất khẩu, các vùng trồng cùng cơ sở đóng gói chanh dây, sầu riêng phải được đăng ký, phê duyệt bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật; thực hành nông nghiệp tốt, ghi chép, lưu trữ hồ sơ, giám sát sinh vật gây hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh phòng-chống dịch Covid-19…

Sầu riêng, chanh dây Gia Lai chất lượng ngon không kém cạnh bất cứ vùng trồng nào trong nước, khi giống cây, kỹ thuật canh tác đã được nông dân chú trọng. Được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là cơ hội đồng thời cũng là thử thách lớn để chanh dây, sầu riêng nói riêng và trái cây Gia Lai nói chung bước ra sân chơi khu vực và quốc tế, mang lại sự ấm no, giàu có cho người dân và nguồn thu lớn cho địa phương.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

 

Có thể bạn quan tâm