Thời sự - Bình luận

Siết đầu cơ vào bất động sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chưa bao giờ thị trường bất động sản (BĐS) lại chộn rộn như hiện nay. Cơn sốt đất xảy ra khắp nơi, giống như một nùi rơm rạ khô khốc, chỉ chực chờ một mồi lửa nhỏ là bùng lên cháy dữ dội, lôi kéo người người, nhà nhà tham gia, hết sức náo nhiệt!

Mới đây nhất, ngày 20-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã xuyên rừng khảo sát địa điểm xây dựng cầu Mã Đà kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai. Vài hôm sau cả khu vực sốt đất rần rần. Tin đồn rằng, sau khi xây dựng cầu, từ tỉnh Bình Phước đến sân bay Long Thành sẽ rút ngắn khoảng 70km nếu so với việc đi theo quốc lộ 13 hiện tại.

Trong khi đó, theo phóng viên Báo SGGP dự cuộc họp, Thủ tướng không kết luận mà chỉ đạo tỉnh Bình Phước, tỉnh Đồng Nai làm việc cụ thể với UNESCO. Bởi vì, nếu xây dựng tuyến cầu đường này sẽ dẫn đến đi xuyên qua rừng, vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển vào năm 2011.

Một năm trước, lãnh đạo tỉnh Bình Phước tổ chức đi khảo sát vị trí để xây dựng sân bay lưỡng dụng Technic, tại huyện Hớn Quản. Thông tin cuộc khảo sát “bay” ra ngoài, người người khắp nơi kéo tới lùng sục mua nhà đất, thổi giá vù vù. Làng quê yên tĩnh trở nên ầm ĩ nhiều ngày, đến nỗi chính quyền phải ra tay dẹp loạn. Cũng hơn một năm trước đó, tháng 2-2020, thông tin về việc Tập đoàn Vingroup tìm hiểu lập dự án tại khu vực Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đã khiến người người khắp nơi ùn ùn kéo đến như cơn bão “giật cấp 12” để mua bán, chuyển nhượng đất đai. Cơn sốt đất kéo dài khiến chính quyền địa phương phải vào cuộc nhiều lần, nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương!
Khó kể hết những sự việc tương tự, có rất nhiều lý giải về nguồn cơn của sốt đất, nhưng sự thật đã chứng minh: từ lâu đất đai nói riêng và thị trường BĐS nói chung đã trở thành lĩnh vực đầu cơ béo bở, đây cũng chính là lĩnh vực thu hút cực lớn vốn liếng của xã hội. Trớ trêu là, thị trường BĐS có lực hút cực mạnh nhưng lại đóng góp rất thấp cho nền kinh tế.

Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy rõ thêm vấn đề này. Trong 3 năm gần đây, số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá đất vào ngân sách như sau: số thu ngân sách từ đất đai năm 2019 khoảng 232,7 ngàn tỷ đồng, năm 2020 đạt 254,8 ngàn tỷ đồng, năm 2021 đạt hơn 172 ngàn tỷ đồng. Tỷ lệ nguồn thu đất đai trong tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm trên lần lượt là 16,49%, 16,85%, giảm xuống 15% vào năm 2021. Đối với TPHCM, nguồn thu từ tiền sử dụng đất cực thấp: năm 2017 thị trường BĐS bùng nổ nhưng chỉ thu 17.905 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5% so với tổng thu ngân sách, gần 348 ngàn tỷ đồng.

Vấn đề đặt ra, làm sao khống chế việc đầu cơ thị trường BĐS, triệt tiêu vấn nạn cá nhân giàu lên bất thường từ BĐS mà ngân khố lại thu thấp? Gần đây, có sự chuyển bộ tích cực là Tổng Cục thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp phối hợp, chuyển công an điều tra các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, khai giá trên hợp đồng thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng. Tại TPHCM, các quận huyện đã triển khai thực hiện, nhiều hồ sơ mua bán, chuyển nhượng nhà đất khai giá sai sự thật đã bị trả hồ sơ, có trường hợp chuyển cơ quan điều tra... Năm 2021, việc bắt buộc khai điều chỉnh giá, ngân sách TP đã thu thêm 126 tỷ đồng. Các địa phương khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An… cũng đang làm tương tự.

Trước mắt, việc bắt buộc kê khai thuế nêu trên sẽ góp phần hạn chế vấn nạn đầu cơ BĐS. Tuy nhiên, để có giải pháp căn cơ thì chính quyền cần khẩn trương ban hành các đạo luật đánh thuế tài sản, đánh thuế lũy tiến với người sở hữu nhiều nhà đất… Từ đó sẽ siết đầu cơ vào BĐS, uống nắn dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh. Làm như vậy, chắc chắn việc triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch sẽ đạt hiệu quả cao.

Theo LƯƠNG THIỆN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm