Thời sự - Bình luận

Sinh kế cho người dân chạy dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hàng chục ngàn lao động chạy dịch về quê đang đối mặt với khó khăn khi không có việc làm, đặc biệt những người dân ở các huyện miền núi. Họ đang tiến thoái lưỡng nan, tiếp tục rời quê thì không được, mà ở lại quê thì đói.

Sau gần 3 tháng từ Bình Dương về quê, vợ chồng anh Lầu Bá Dờ (xã Na Ngoi, H.Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn loay hoay ở nhà, chưa biết làm gì để kiếm sống. 4 miệng ăn của gia đình nhiều năm nay trông vào đồng lương công nhân của hai vợ chồng, nay nguồn sống này đã không còn. Vợ chồng anh Dờ đang lo lắng chờ hết dịch Covid-19 để quay trở lại Bình Dương, nhưng chưa biết bao giờ thì hết dịch.

Đây cũng là tình cảnh của gần 5.400 gia đình ở huyện biên giới Kỳ Sơn, nằm trong nhóm huyện nghèo nhất nước, khi người thân của họ đã phải nghỉ việc chạy về quê để tránh dịch Covid-19 trong mấy tháng qua. Kỳ Sơn có 30.000 người trong độ tuổi lao động, nhưng có hơn 10.000 người đã phải bỏ quê đi kiếm sống vì ở nhà không có việc làm.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND H.Kỳ Sơn, dự báo sẽ có thêm khoảng 2.000 người nữa trở về trong thời gian tới nếu các biện pháp “sống chung với dịch” không được triển khai sớm.

Hàng ngàn lao động trụ cột nghỉ việc về quê, trong khi về nhà không có việc làm đã đẩy áp lực lên chính quyền địa phương. Không có việc làm, nguy cơ xâm hại rừng, di cư bất hợp pháp là hiện hữu. Vì thế, H.Kỳ Sơn đang tìm cách để tạo sinh kế là “chiếc cần câu” thay vì con cá cho người dân hồi hương như: kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân hỗ trợ để mua bò, lợn, gà cho người dân nuôi; đề nghị UBND tỉnh Nghệ An giao 83.000 ha đất rừng phòng hộ cho người dân khoanh nuôi, bảo vệ và trồng dược liệu dưới tán rừng; liên hệ tìm việc làm cho dân tại các nhà máy, khu công nghiệp trong tỉnh…

Trong các giải pháp trên, giao rừng cho người dân bảo vệ là sinh kế được xem là sáng nhất, vừa bảo vệ được rừng, vừa tạo thu nhập lâu dài cho người dân. Tuy nhiên, để thực hiện được đang cần hơn 50 tỉ đồng kinh phí cho công tác trích lục, đo đạc để giao đất nên chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Không chỉ riêng ở Kỳ Sơn (Nghệ An) mà hiện nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự, khi dòng người hồi hương tăng đột biến. Bên cạnh việc phải nỗ lực phòng dịch từ dòng người hồi hương, chính quyền các địa phương cũng đang rất lo lắng, lúng túng trong việc tái tạo sinh kế cho bà con trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Chúng ta đã xác định phải chuyển sang giai đoạn “sống chung với dịch”, mở cửa nền kinh tế. Vì thế, phương án mở cửa để hoạt động sản xuất và đảm bảo an toàn khi “sống chung với dịch” đang cần được mở nút thắt càng sớm càng tốt vì “sức khỏe” của doanh nghiệp và người lao động đều có giới hạn.

Theo KHÁNH HOAN (TNO)

Có thể bạn quan tâm