Thời sự - Bình luận

Soi cho tỏ, xét cho tường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thuần Việt có nên được hiểu chỉ bao hàm những giá trị nội sinh, không có bất kỳ sự vay mượn, lấy cảm hứng hay trao đổi với các yếu tố văn hóa ngoại lai nào?
Cứ thành thông lệ, mỗi khi đại diện Việt Nam tham gia các đấu trường sắc đẹp quốc tế, trang phục dân tộc (national costume) luôn trở thành chủ đề tranh cãi. Câu hỏi muôn thuở, thay vì lựa chọn áo dài truyền thống, những trang phục cách điệu từ các món ăn, nghề truyền thống, danh thắng đặc trưng… có xứng đáng đại diện cho bản sắc Việt giới thiệu đến bạn bè quốc tế?
Như trang phục đến với Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ) năm nay mang tên Chiếu Cà Mau, chi tiết chữ Hán cách điệu trên hai phần tay áo đã gây nên cuộc tranh luận sôi nổi của rất nhiều “thẩm phán mạng”. Để chiều lòng, phút chót ban tổ chức phải thay đổi thành họa tiết hoa sen nhưng những tranh cãi vẫn chưa khép lại. Chuyện 9 người 10 ý, ai cũng có lý lẽ riêng của mình nhưng liệu mọi sự phán xét có đảm bảo đa chiều, khách quan?
Trên thực tế, thuần Việt luôn là khái niệm gây tranh cãi từ cách sử dụng ngôn từ cho đến các loại hình sáng tạo nghệ thuật trong đời sống. Dùng từ Hán - Việt hay thuần Việt vẫn là cuộc tranh luận không hồi kết. Đã có rất nhiều ý kiến mang tính phản biện về việc làm sao để hiểu đúng, hiểu trúng trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Hay trong lĩnh vực phim, sân khấu… những tác phẩm được gắn mác Việt hóa, remake, chuyển thể từ văn học nước ngoài vẫn luôn còn chút dư âm định kiến khi nhìn nhận, đánh giá. Âm nhạc mang hơi thở K-Pop, US-UK cũng bị phản ứng bởi sự lai căng. Dường như, chỉ những gì do người Việt sáng tạo và có nguồn gốc nội sinh mới trở thành quy chuẩn của cái gọi là thuần Việt.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt khi tiếp xúc với văn hóa nước ngoài, truyền thống hay thuần Việt luôn là yếu tố làm nên bản sắc, tính độc đáo của mỗi cá nhân nói riêng và nền văn hóa nói chung. Nhiều người trẻ khi đi du học ở nước ngoài, khi được tự giới thiệu về bản thân luôn băn khoăn sẽ mang đặc trưng nào của Việt Nam để chia sẻ với bạn bè quốc tế. Với những cuộc thi hoa hậu uy tín, tất yếu người đẹp dự thi không chỉ đại diện cho cá nhân, bởi khi mang trên mình dải băng với hai chữ Việt Nam họ còn có sứ mệnh quảng bá hình ảnh, văn hóa, đất nước và con người quê hương. Trong mọi trường hợp, tính bản địa và bản sắc văn hóa là điều tiên quyết tạo nên sự riêng biệt, không thể trộn lẫn giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, trong dòng chảy của văn hóa Việt, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa đã diễn ra từ hàng ngàn năm nay. Chúng ta không thể phủ nhận, trong khu vực các nước đồng văn (cùng văn hóa, chữ viết), sự ảnh hưởng lẫn nhau không thể tránh khỏi. Nhưng trong quá trình phát triển ấy, rất nhiều yếu tố ngoại lại, vay mượn từ văn hóa nước ngoài dần dần được cải biến để trở thành một phần tất yếu của văn hóa Việt. Từ chữ Hán, người Việt sáng tạo chữ Nôm và các từ Hán - Việt. Tiếng Việt ngày nay cũng được sáng tạo dựa trên hệ chữ Latinh. Từ baguette của người Pháp, bánh mì đã được ghi danh vào 2 từ điển danh tiếng Oxford và Merriam-Webster. Đó là những bằng chứng cho thấy rõ xu hướng “hòa nhập nhưng không hòa tan”, biến cái của người khác thành của mình. Trong những cuộc đối thoại văn hóa qua các thời kỳ bị đô hộ, quá trình tiếp biến văn hóa vừa góp phần giữ vững nền tảng đồng thời làm phong phú thêm bản sắc Việt.
Do đó, khái niệm thuần Việt nên chăng cần được nhìn nhận cởi mở, khách quan và đa chiều hơn. Trong sáng tạo nghệ thuật, khái niệm thuần Việt chắc chắn không có chỗ cho sự sao chép, đạo nhái, rập khuôn một cách máy móc. Nhưng, nếu quá trình sáng tạo có vay mượn hay dựa trên cảm hứng ngoại lai mà vẫn tạo nên bản sắc, dấu ấn riêng để khi nhìn vào đó công chúng vẫn nhận ra đặc tính Việt Nam vẫn cần được ghi nhận và công nhận.
Về bản chất, quá trình tiếp biến văn hóa cũng là sự sàng lọc khắc nghiệt, chỉ giữ lại những gì phù hợp và được dung dưỡng trong cộng đồng. Quay vào bên trong để nhìn rõ sức mạnh nội sinh của văn hóa, của tính thuần Việt nhưng rất cần trở ra bên ngoài để học hỏi, tiếp nhận có chọn lọc và không lạc hậu chính là hành trình làm giàu văn hóa Việt.
Theo VĂN TUẤN (SGGPO)
https://www.sggp.org.vn/soi-cho-to-xet-cho-tuong-post674894.html

Có thể bạn quan tâm