Chúng tôi đang ngồi trò chuyện cùng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Rơ Ô Cheo (buôn Du, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) thì bà Kpă Hvih mang về ly cà phê. Bà nở nụ cười hiền hậu với chúng tôi rồi quay sang chồng, thêm đường, bỏ đá và nhẹ đẩy ly cà phê về phía ông. Một hành động nhỏ thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của bà dành cho ông.
Trước khi bị tai biến (năm 2019), mỗi buổi sáng, Thiếu tướng Rơ Ô Cheo vẫn thường đi bộ ra quán cà phê nơi ngã ba quốc lộ gần nhà uống cà phê. Những ngày không khỏe, ông đành ở nhà và được bà chăm sóc từ những thói quen nhỏ như vậy. Nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 có cuộc đời binh nghiệp lừng lẫy chiến công ngay trên quê hương cách mạng Krông Pa. Ngược lại với sự nổi tiếng của ông, bà Kpă Hvih sống bình dị, khá lặng lẽ, kín tiếng. Nhưng đó là sự lựa chọn của bà để trở thành hậu phương vững chắc, giúp sự nghiệp của chồng được tỏa sáng.
Nói về mối tình với Thiếu tướng Rơ Ô Cheo, bà kể, 2 người gặp nhau năm 1981 khi bà vừa tròn 18 tuổi, còn ông hơn bà 10 tuổi. Bà mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo không được đi học, không biết chữ. Còn ông Rơ Ô Cheo là “Bộ đội Cụ Hồ” về làng, có nhiều chiến công hiển hách, là niềm mơ ước của biết bao cô gái Jrai. “Nhà mình nghèo đến nỗi không có bộ quần áo lành lặn để mặc. Vì vậy mà lần đầu tiên gặp mặt, mình vừa xấu hổ, vừa mặc cảm, không dám nhìn thẳng ông ấy”-bà Hvih hồi nhớ.
Nhưng bà không lý giải được vì sao giữa biết bao cô gái, ông lại chọn bà và nhanh chóng xin phép già làng để làm đám cưới.
Nhưng để chồng toàn tâm ý với “việc nhà nước”, bà chưa một lần kể khổ với chồng. Với giọng trầm trầm, bà Hvih cho rằng, ai có chồng là quân nhân sẽ thấm thía nỗi khổ, sự hy sinh của người phụ nữ nơi hậu phương. Dù giữa thời bình, nhưng việc nuôi dạy con cái, chăm sóc cho tổ ấm khi chồng vắng nhà đều là những áp lực không tên đè nặng lên vai người phụ nữ. Bà dùng sự giản dị, chịu thương, chịu khó của một cô gái Jrai xuất thân nghèo khổ để giữ cho mình tâm thái nhẹ nhàng giữa bao vất vả.
Lương của “tướng về hưu” đủ để ông bà an hưởng tuổi già, nhưng không lúc nào bà Hvih ở yên. Ở tuổi 62, bà vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát, nuôi đàn bò cả chục con. “Mình làm lụng quen rồi, ở yên một chỗ không được”-bà Hvih cười nói.
Năm 2023 đánh dấu cột mốc chẵn 35 năm bà Dương Thị Thân-quan trắc viên Trạm khí tượng Pleiku gắn bó với ngành khí tượng thủy văn. Với chất giọng đậm miền Trung, bà Thân mở đầu câu chuyện về chủ đề 8-3.
Gắn bó với ngành khí tượng thủy văn Tây Nguyên đủ dài để nữ quan trắc viên Dương Thị Thân nếm trải hết những khó khổ đặc thù của ngành “bắt mạch thời tiết”. Một đời làm quan trắc viên nhưng bà là thế hệ “giao thời” giữa cái cũ và cái mới, giữa đo đạc thủ công và dùng máy móc tự động. Vì vậy, gần tuổi hưu rồi bà vẫn phải học thêm về công nghệ để theo kịp với chuyển đổi số. Bà cũng thừa nhận, ở tuổi của bà, tiếp nhận mọi thứ đã trở nên chậm chạp, những kiến thức liên quan đến công nghệ thông tin lại càng khó khăn. “Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, ngay cả chúng tôi làm trong ngành nhiều khi cũng bất ngờ với chuyện nắng mưa của ông trời. Dù có 35 năm kinh nghiệm nhưng nếu không tìm hiểu, học hỏi thêm thì sẽ tụt hậu ngay”-bà Thân cho hay.
Nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên Tây Nguyên (năm 1988), gắn bó với ngành khí tượng cho đến bây giờ, bà Thân cho rằng đó là thời gian “đoạn trường” nhưng cũng nhiều niềm vui, dấu ấn khó quên. “Hồi đó, lương hai vợ chồng cộng lại chưa tới 100 ngàn đồng. Đến nỗi cưới nhau nhiều năm chúng tôi mới mua được cái mâm nhôm. Chồng tôi về kể cho bà nội ở quê mà mọi người không tin. Còn tôi, do làm ở trạm nơi rừng núi heo hút, bị sốt rét liên miên, người gầy rộc. Năm đó, khi về thăm quê Nghệ An, cả mẹ và chị gái nhìn thấy tôi thì chỉ lặng lẽ khóc. Lúc tôi vào đây là một sinh viên ngành khí tượng vừa ra trường còn căng tràn sức sống, không ai nghĩ môi trường công tác lại khắc nghiệt như vậy”-bà Thân chia sẻ.
Gian khổ là vậy, nhưng sự chịu thương, chịu khó vốn có của người miền Trung đã giúp bà thích ứng với điều kiện sống mới. Khi vợ chồng cùng công tác tại Trạm khí tượng Đak Tô (Kon Tum), xung quanh đất đai rộng nên tranh thủ thời gian, họ khai hoang trồng mì, nấu rượu, nuôi heo, nuôi gà lấy trứng.
Chiêm nghiệm từ cuộc đời mình, bà Thân khẳng định, phụ nữ Việt Nam có những phẩm chất đáng quý, đó chính là sự chịu thương, chịu khó, ham học hỏi và thích ứng rất tốt. Chính đức tính ấy đã khiến họ trở nên kiên cường trước mọi hoàn cảnh. Đó cũng chính là tinh thần “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của các thế hệ phụ nữ Việt Nam, tạo nên “sức mạnh mềm” để chị em ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình, dù ở bất cứ vị trí nào.
Kế thừa truyền thống, tinh thần ấy của phụ nữ, năm 2023, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng hình ảnh phụ nữ Gia Lai với 4 phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh-cho rằng, với những nỗ lực của các ngành, các cấp, toàn xã hội để đạt được bình đẳng giới và sự tiến bộ của nữ giới, phụ nữ Gia Lai đã khẳng định vai trò “nữ quyền”, quyền làm chủ, quyền tự quyết định nhiều mặt trong cuộc sống. Nhưng bên cạnh đó, họ vẫn còn đối mặt với rất nhiều áp lực. Cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức giúp phụ nữ ý thức được giá trị của bản thân, sống tự tin, tự trọng và phát huy sự trung hậu, đảm đang để tiếp tục tạo ra những giá trị mới, đóng góp nhiều mặt để xây dựng gia đình và đất nước.