Thời sự - Bình luận

Tấm kính và khoảng cách giữa cán bộ, công chức với người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những nơi làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, việc tồn tại tấm kính che khác gì bức tường ngăn cách giữa dân với cán bộ.
Mới đây, một clip 6 phút xuất hiện trên mạng xã hội quay lại cảnh người dân chui đầu qua một ô cửa tại phòng đăng ký tiếp dân của UBND tỉnh Nam Định đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Hình ảnh cho thấy, người dân rất vất vả, chật vật để được gặp các cơ quan chức năng. Bởi vậy, họ không giấu được bức xúc. 
Hiện tượng này không phải là cá biệt ở tỉnh Nam Định. Mặc dù đã có nhiều cải cách trong việc tiếp công dân nhưng dường như, đó vẫn chỉ là mục tiêu. 
Hình ảnh ghi lại ở phòng đăng ký tiếp dân UBND tỉnh Nam Định
Bình luận về thực trạng này, PGS-TS Ngô Thành Can - Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng: “Đây là nơi nhân dân phản hồi ý kiến, trình bày, tố cáo, khiếu kiện,… Nghĩa là người ta có vấn đề, có phản ánh thì người ta mới đến. Điều đáng nói chính là bộ phận tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị của người dân nhưng lại khiến người dân bức xúc, trước hết là thái độ có phần thơ ơ, vô cảm".
PGS.TS Ngô Thành Can nhấn mạnh: Những nơi làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, việc tồn tại tấm kính che khác gì bức tường ngăn cách giữa dân với cán bộ. Nếu như phải bảo vệ an ninh, an toàn như ngân hàng, thuế, hải quan… thì việc đặt vách ngăn như vậy còn có lý chứ những nơi dân đến làm việc, trao đổi, kiến nghị thì hoàn toàn không cần thiết phải đặt những vách ngăn như thế. Vách ngăn vô hình trung tạo ra khoảng cách giữa người đến làm việc với cơ quan nhà nước và người của cơ quan nhà nước. Cũng vô hình trung khiến người dân cảm thấy không dân chủ, cảm thấy sợ sệt. Trong khi đó, những cán bộ thực thi nhiệm vụ, với bức vách như vậy, họ lại cảm thấy mình có quyền.
PGS-TS Ngô Thành Can- Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia
Từ thực tế trên, PGS-TS Ngô Thành Can nhấn mạnh: “Chuyện tấm kính chỉ là chuyện nhỏ. Nếu chúng ta không xem xét từ chuyện nhỏ sẽ thành chuyện to, đừng bao giờ để cho dân quay lại tư duy “quan là phụ mẫu, là cha mẹ của dân”. Đặc biệt là tình cảm, thái độ, đạo đức của những người làm công tác tiếp dân. Suy cho cùng, đây là vấn đề tư duy của người lãnh đạo, của nền công vụ. Chúng ta phải làm cho công sở trở nên gần gũi, dân chủ và thân thiện chứ không phải cố tình tạo ra khoảng cách”.
Ông Ngô Thành Can cho biết: “Chúng ta có Hiến pháp, có pháp luật, có những quy định chung, có luật về tiếp công dân, các cơ quan, bộ ngành, địa phương đều có hướng dẫn. Tuy nhiên, trong thực thi, một số đơn vị chưa làm tốt. Sẽ có những cơ quan thanh tra về công vụ để dần dần loại bỏ bớt những quy định rườm rà không phù hợp và những cá nhân không phù hợp”.
PGS.TS Ngô Thành Can kết luận: “Trong cải cách nền công vụ, chúng ta phấn đấu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả. Muốn có một nền công vụ tốt như thế rõ ràng phải có một đội ngũ cán bộ, công chức chuẩn, có năng lực. Người dân đến cơ quan công quyền để làm việc cũng cần được thông báo, được cho biết quyền lợi của họ và những gì không được làm. Nếu rõ ràng như thế thì những cán bộ công chức có cách hành xử chưa đúng chuẩn mực mà chúng tôi hay gọi là lệch chuẩn, thì lập tức họ sẽ phải điều chỉnh lại, lập tức cơ quan đó phải xử lý. Đặc biệt, nếu có quy trình, tư duy, cách thức làm, thiết kế công sở thì chúng ta phải một lần nữa xem xét lại để có sự chỉnh sửa phù hợp”.
PV/VOV1

Có thể bạn quan tâm