Thời sự - Bình luận

Tăng trách nhiệm để ngăn chặn phá rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 gửi các đại biểu Quốc hội thì trong 10 năm, bình quân mỗi năm, cả nước trồng được khoảng 230.000ha rừng. Tức là sau 10 năm, cả nước trồng mới được khoảng 2,3 triệu ha rừng.  

 

 


Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, trong khoảng 230.000ha rừng được trồng mỗi năm, có tới 215.000ha là rừng sản xuất; còn lại số rất ít là rừng tự nhiên tái sinh, để làm rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ (ngăn chặn lũ lụt, bảo vệ đa dạng sinh học).

Như vậy, diện tích rừng sản xuất tăng mạnh, nhưng diện tích rừng tự nhiên lại tăng không đáng kể. Thậm chí theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) thì tại khu vực Tây Nguyên, năm 2019, diện tích rừng trồng ở Tây Nguyên tăng 18.387ha so với năm 2018, nhưng diện tích rừng tự nhiên lại giảm 15.753ha. Giai đoạn năm 2020-2022, diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên và nhiều nơi vẫn tiếp tục giảm do nạn phá rừng, hoặc chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang rừng sản xuất, làm nương rẫy, các dự án làm đường giao thông, thủy điện, du lịch...

Theo các chuyên gia lâm nghiệp, rừng sản xuất chỉ có giá trị về kinh tế (khai thác gỗ làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu sau 5-10 năm trồng). Chỉ có rừng tự nhiên mới thực sự là lá chắn để giữ nước, giữ đất, ngăn chặn sạt lở, lũ quét. Nhưng, rừng tự nhiên bị tàn phá rồi được khoanh nuôi, trồng tái sinh cũng không thể có tác dụng ngay, mà phải chờ sau hàng chục năm đến cả trăm năm mới thực sự có tác dụng cho môi trường. Bộ NN-PTNT cho biết, đến tháng 6, cả nước trồng được 119.400ha rừng so với kế hoạch cả năm nay là 244.000ha, duy trì độ che phủ rừng cả nước là 42,02%. Trong 6 tháng đầu năm, trên cả nước đã xảy ra 4.688 vụ xâm phạm hoặc gây ảnh hưởng tới rừng (chủ yếu là rừng tự nhiên) với tổng diện tích bị phá là 560ha (tăng 2%).

Thực tế, đến nay, tổng diện tích rừng tự nhiên đã bị tàn phá là bao nhiêu thì 2 cơ quan được giao quản lý rừng và đất rừng là Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT không có số liệu... một cách chính xác. Ở các địa phương cũng vậy. Nguyên nhân, do không nắm chắc địa bàn, thiếu trách nhiệm, thậm chí do che giấu thông tin, báo cáo chậm hoặc thiếu. Chẳng hạn như vụ phá 34ha rừng phòng hộ ở Gia Lai, 6 tháng sau, huyện mới báo cáo lên tỉnh khi bị báo chí phanh phui. Dư luận cho rằng diện tích rừng tự nhiên đã mất trắng là rất lớn, diễn ra ở nhiều khu vực như Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên..., và lớn hơn nhiều so với báo cáo.

Trong khi rừng tự nhiên sụt giảm nhanh chóng thì biến đổi khí hậu, mưa ngập, lũ lụt ngày càng hoành hành ở nước ta. Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong 6 tháng đầu năm, thiên tai làm 75 người chết và mất tích, 52 người bị thương, gây thiệt hại hơn 5.422,8 tỷ đồng, gấp 10,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Giá phải trả vì mất rừng tự nhiên đã và đang hiện hữu. Điều này đặt ra yêu cầu phải tăng trách nhiệm ngăn chặn ngay tình trạng phá rừng tự nhiên.

Hiện nay, cả nước có gần 15 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên theo ước tính chỉ còn hơn 1 triệu ha. Để bảo vệ được diện tích rừng hiện có, Luật Bảo vệ và phát triển rừng cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng. Để mất rừng thì chủ rừng, cơ quan bảo vệ rừng phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi chính sách khoán bảo vệ rừng, vì mức khoán hiện nay rất thấp. Đồng thời, các địa phương phải rà soát lại quy hoạch, kiên quyết bảo đảm diện tích đất rừng, không chuyển đổi bừa bãi; chính quyền các địa phương, lực lượng ở cơ sở phải quyết liệt hành động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Theo PHÚC VĂN (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm