Vấn đề đặt ra là bên cạnh tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán, kinh doanh thực phẩm quanh trường học, cũng cần thay đổi cách quản lý việc ăn quà vặt của học sinh theo hướng chủ động hơn.
Chỉ trong vòng 1 tháng, tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm ở trường học, khiến hàng chục học sinh phải nhập viện cấp cứu. Riêng vụ ngộ độc hôm 5-4 đã có 37 học sinh ở Trường Tiểu học Vĩnh Trường và Trường THCS Trần Hưng Đạo phải nhập viện điều trị. Đáng tiếc, 1 học sinh đã tử vong chưa rõ nguyên nhân. Trước đó, các em có ăn sáng với nhiều món như: cơm gà, cơm gà xé, sushi... tại một số hàng quán gần trường học và của người bán hàng rong.
Trước đó, vào khoảng 9 giờ ngày 3-4, nhóm 23 học sinh lớp 4 của 1 trường Tiểu học-THCS ở huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) sau khi uống nước thì bị đau bụng, buồn nôn, đau đầu, khó thở và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện để thăm khám. Tại Lâm Đồng, hôm 4-4, 28 học sinh Trường THCS Tân Châu (huyện Di Linh) cũng phải nhập viện sau khi ăn kẹo mua gần cổng trường. Trước đó, hôm 28-3, gần 30 học sinh Trường THCS Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) cũng có biểu hiện bị ngộ độc sau khi ăn kẹo mua trước cổng trường.
Đây chỉ là một vài dẫn chứng trong rất nhiều vụ ngộ độc xảy ra trong trường học mà nguyên nhân hầu hết bắt nguồn từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn-một thực trạng vốn tồn tại đã lâu, phản ánh đã nhiều nhưng dường như vẫn chưa được ngăn chặn hữu hiệu.
Tình trạng hàng quán bủa vây cổng trường với đủ các món ăn vặt cho học sinh như bánh, kẹo, chả xiên, chân gà cay, thịt bò chua cay, cá mực tẩm, nộm xoài, đu đủ, kẹo vitamin C, kẹo 7 màu, thạch nhiều màu... mà chỉ cần có từ 5 ngàn đồng là các em có thể mua cho mình một món ăn yêu thích. Đó hầu hết là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, bao bì, nhãn mác… Mà ngay cả khi nguyên liệu có sạch đi chăng nữa thì với cách chế biến, bảo quản không bảo đảm, những món quà vặt này cũng dễ chứa vi sinh vật gây ngộ độc.
Phải thừa nhận rằng, lâu nay, việc nghiêm cấm bán hàng rong, quà vặt cho học sinh cùng các chế tài xử phạt theo quy định của Luật ATTP đã được nhiều địa phương triển khai. Các trường học còn đóng cổng trong giờ giải lao và xây dựng căng tin nhà trường để cung cấp thực phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn cho học sinh. Đồng thời đưa nội dung “học sinh ăn quà vặt trước cổng trường” vào tiêu chí thi đua khi đánh giá kết quả định kỳ.
Các trường học cũng đã khuyến cáo phụ huynh, học sinh cần thận trọng khi sử dụng thức ăn, nước uống chưa rõ nguồn gốc; chủ động phát hiện các cơ sở kinh doanh gần trường học không đảm bảo vệ sinh ATTP để cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo con em mình về nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những món ăn vặt không bảo đảm vệ sinh tại khu vực cổng trường; giúp trẻ hình thành thói quen tiêu dùng thông minh, biết nói không với thực phẩm không an toàn.
Tuy nhiên, để học sinh trở thành “người tiêu dùng thông minh”, “biết nói không với thực phẩm không an toàn” là điều không dễ. Bởi với những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, ham vui, thích tụ tập thì để chiến thắng sự quyến rũ của các hàng quà vặt trong cơn đói bụng giữa giờ chơi cũng rất khó khăn!
Có ý kiến cho rằng, trong khi không quản được tình trạng buôn bán, kinh doanh thực phẩm, quà vặt bên ngoài cổng trường thì việc cấm học sinh mang theo khẩu phần “ăn vặt giữa giờ” là một cách quản lý cực đoan. Nếu chỉ vì sợ học sinh xả rác hay sợ học sinh ăn quà trong giờ học thì chỉ cần quy định rõ ràng về giờ ăn, thói quen bỏ rác đúng chỗ… là được.
Việc phụ huynh chủ động chuẩn bị đồ ăn giữa giờ cho con cũng là cách để họ kiểm soát thực phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn cho con mình. Khi đó, nhà trường cũng không bị mang tiếng là buộc học sinh phải ăn quà trong căng tin nhằm “tăng doanh thu” cho trường!
Đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm là việc của cơ quan chức năng về vệ sinh ATTP chứ không phải của trường học. Yêu cầu phụ huynh khuyến cáo con em không ăn vặt ngoài cổng trường sao bằng để họ tự chuẩn bị cho con em mình những món ăn vặt an toàn.