Thời sự - Bình luận

Thay đổi cách truyền đạt để nghị quyết đi vào cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ mang lại lợi ích về vật chất khi tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí đi lại... mà còn làm thay đổi nhận thức, cách thức tiếp cận nghị quyết của Đảng đến từng đảng viên. Đó chính là điều rút ra sau 2 ngày tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Có thể nói, từ trước đến nay, chưa một hội nghị triển khai nghị quyết nào của Đảng được tổ chức đồng loạt đến gần 1 triệu cán bộ, đảng viên trong toàn quốc như vừa rồi. Với 7.439 điểm cầu, bố trí đến tận địa bàn xã, phường, thị trấn từ lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các cơ quan, đơn vị, cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, cơ sở... đã được tiếp thu những nội dung cốt lõi, những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Qua đó, tạo nên nhận thức sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; sự thống nhất ý chí, hành động trong quá trình triển khai thực hiện, đưa nghị quyết đại hội Đảng vào cuộc sống.
Quang cảnh hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại điểm cầu Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Ảnh: Phương Linh

Cách triển khai học tập nghị quyết đại hội bằng hình thức trực tuyến lần này chẳng những tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho cán bộ, đảng viên và ngân sách nhà nước mà còn tạo ra cơ hội để cán bộ, đảng viên cả nước được trực tiếp nghe các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước truyền đạt nội dung văn kiện Đại hội XIII của Đảng mà không cần phải thông qua mạng lưới báo cáo viên các cấp như lâu nay. Không chỉ ở thành phố mà ở vùng sâu, vùng xa, cán bộ, đảng viên cũng có thể trực tiếp nghe cán bộ chủ chốt của Đảng-những người trực tiếp tham gia soạn thảo xây dựng các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng-trình bày.

Những báo cáo viên phổ biến, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần này cũng hết sức đặc biệt. Những cán bộ lãnh đạo chủ chốt như: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Nguyễn Xuân Thắng… đã thực sự biến các bài thuyết trình về Nghị quyết Đại hội thành những tư liệu quý cho bất cứ ai quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Một tồn tại khá lâu chưa được giải quyết triệt để là tình trạng nghị quyết của đại hội chưa được quán triệt thấu đáo đến đảng viên. Vướng mắc trước hết là ở khâu tổ chức, mà nhất là chất lượng báo cáo viên. Vì vậy, nội dung, phương pháp truyền đạt tốt sẽ cuốn hút người nghe, tạo ra sự thống nhất cao trong nhận thức… Làm sao tạo nên sức hấp dẫn để cán bộ, đảng viên thấy việc học nghị quyết là một điều hứng thú, quyền lợi không thể bỏ qua đang là điều trăn trở bấy lâu.
Được nghe chính các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước truyền đạt Nghị quyết một cách sinh động, có sức cuốn hút theo phương châm “đưa cuộc sống vào nghị quyết và đưa nghị quyết về với đời sống”, rõ ràng, với người nghe là niềm hứng thú và là niềm vinh dự.
Tinh thần, thái độ của người học tập cũng là điều đáng quan tâm. Tình trạng cán bộ, đảng viên ngại học tập, lười đọc nghị quyết của Đảng vẫn còn nhiều. Đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên không nắm được đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, dẫn đến tình trạng nghị quyết của Đảng dù đúng đắn nhưng chậm được triển khai, cụ thể hóa để trở thành hiện thực. Thậm chí, có những trường hợp, cán bộ, đảng viên hiểu sai, làm trái với đường lối, nghị quyết của Đảng, gây ra sự bất bình, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
“Thành công thực sự của đại hội Đảng là ở chỗ có đem lại cơm no áo ấm, có mang lại hạnh phúc cho mỗi gia đình hay không”-Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói như vậy tại cuộc họp báo sau khi Đại hội lần thứ XIII kết thúc.
Vì vậy, muốn nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, thành cơm no áo ấm, thành niềm hạnh phúc cho mỗi gia đình, ngoài việc đổi mới, nâng cao chất lượng các buổi triển khai học tập nghị quyết, từ việc lựa chọn báo cáo viên đến giải đáp thắc mắc, xây dựng và thảo luận chương trình hành động... cần đề cao tinh thần trách nhiệm, tính tự giác gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc học tập, triển khai nghị quyết của Đảng. Làm sao để việc học tập, nghiên cứu nghị quyết đại hội Đảng các cấp trở thành nhu cầu tự thân, là động lực quan trọng góp phần vào sự thành công của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm