Multimedia

Emagazine

E-magazine Thị trường Trung thu: Hàng nhiều, sức mua yếu



Năm nay, các thương hiệu bánh Trung thu nổi tiếng như: Kinh Đô, Kido, Yến sào Khánh Hòa, Bibica, Hữu Nghị, Đồng Khánh, Mesa… đều đưa ra thị trường nhiều chủng loại bánh từ bình dân đến cao cấp, mẫu mã bao bì được cải tiến đẹp mắt, sang trọng hơn để phục vụ đa dạng phân khúc khách hàng khác nhau. Ngoài sản xuất các loại bánh với hương vị truyền thống, các hãng còn tung ra các mặt hàng mới như: bánh vị trà xanh, hạt chia, tiramisu, oreo, phô mai tan chảy, hải sâm, đông trùng hạ thảo, bánh cho người ăn kiêng, ăn chay… Giá bánh các loại tăng khoảng 5-15% so với năm ngoái.

Tại quầy bánh Trung thu Kinh Đô trên đường Phan Đình Phùng (TP. Pleiku) của nhà phân phối Hà Nam, lượng khách bắt đầu tăng trong vài ngày qua. Bà Lê Thị Mộng Hà-đại diện nhà phân phối-cho hay: Năm nào Kinh Đô cũng đổi mới, đa dạng các dòng bánh. Ngoài các dòng bánh bình dân có giá 58-95 ngàn đồng/cái, Kinh Đô còn có một số dòng cao cấp như: hộp bánh Trăng Vàng, Trăng Vàng Black&Gold có giá từ 640 ngàn đồng đến 5 triệu đồng/hộp. Năm nay, giá bánh tăng khoảng 10%.



Hơn 20 năm qua, thương hiệu Mesa của Tiệm bánh Tam Ba (đường Trần Phú, TP. Pleiku) luôn giữ nét truyền thống trong bánh Trung thu với hơn 10 loại bánh được khách hàng ưa chuộng. Bà Trương Thị Bửu-đại diện Tiệm bánh Tam Ba-cho hay: “Cách đây 1 tháng, bánh Trung thu Mesa đã được sản xuất để đưa đi tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Còn tại Gia Lai, tiệm bánh mới chính thức mở bán từ 1 tuần nay. Bánh được sản xuất tại chỗ, không dùng chất bảo quản nên khách hàng rất ưa chuộng. Dù giá nguyên liệu tăng và nhiều hãng tăng giá bán nhưng bánh Mesa vẫn giữ ổn định giá như năm ngoái, từ 43 ngàn đồng (loại 200 gram) cho đến 115 ngàn đồng/cái (loại 900 gram). Để khách ở xa tiện mua, chúng tôi cũng đặt quầy ở khu vực Biển Hồ chè và huyện Đak Đoa”.

Thời điểm này, thị trường bánh Trung thu bắt đầu nhộn nhịp. Một số cơ sở nhỏ trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào sản xuất bánh. Chị Trương Thị Như Ý-Chủ tiệm bánh kem Như Ý (thị trấn Kbang) chia sẻ: “Mỗi dịp Tết Trung thu, tôi đều làm thêm bánh nướng, bánh dẻo nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Vì bánh không có chất bảo quản, hạn sử dụng khoảng 20 ngày nên tôi thường làm từng ít một, bán hết mới làm tiếp. Làm như vậy bánh sẽ luôn giữ được độ mềm dẻo, thơm ngon”.



Còn chị Nguyễn Thị Nguyệt-Chủ cửa hàng bánh kẹo tại thị trấn Kbang thì cho biết: Để thuận lợi cho khách hàng mua sắm, cửa hàng nhập đồ chơi trẻ em từ giữa tháng 7 âm lịch, còn bánh Trung thu nhập hơn 200 chiếc từ đầu tháng 8 của một số thương hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica… “Thời điểm này mới lác đác khách mua bánh Trung thu kèm theo một số bánh, kẹo, nước yến làm quà biếu. Một số tổ dân phố, trường học mua bánh kẹo, đèn lồng chuẩn bị mâm cỗ Trung thu cho các cháu. Song, thông thường gần tới Tết Trung thu thì lượng người mua sẽ nhiều hơn”-chị Nguyệt nói.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt-Chủ cửa hàng bánh kẹo tại thị trấn Kbang sắp xếp bánh trung thu, cung ứng thị trường. Ảnh: Ngọc Minh

Chị Nguyễn Thị Nguyệt-Chủ cửa hàng bánh kẹo tại thị trấn Kbang sắp xếp bánh trung thu, cung ứng thị trường. Ảnh: Ngọc Minh




Để đẩy mạnh bán hàng, nhiều quầy bánh đã tăng chiết khấu nhằm thu hút khách mua. Nếu đầu mùa, mức chiết khấu dao động trong khoảng 5-20% thì hiện có nơi chiết khấu tăng lên thêm 3-5%.

Tại quầy bánh Trung thu Đồng Khánh ở ngã tư Hoàng Văn Thụ-Trần Phú (TP. Pleiku), ngoài bánh thương hiệu Đồng Khánh còn bày bán thêm bánh pía, bánh Trung thu sản xuất ở Gia Lai và mặt hàng đồ chơi trẻ em. Anh Huỳnh Công Đức-nhân viên bán hàng-cho hay: Càng gần Tết Trung thu, sức mua càng tăng, nhưng chủ yếu vẫn là khách mua lẻ nên số lượng tiêu thụ dự kiến không bằng mọi năm. Năm nay, lượng hàng bán cho khách cơ quan, doanh nghiệp ít hơn rất nhiều. Có những doanh nghiệp mùa trước mua đến 100 hộp thì năm nay chỉ đặt 50 hộp. Hiện tại, lượng bánh nhập về đã tiêu thụ được một nửa, số còn lại hy vọng sẽ bán hết trong 1 tuần còn lại của dịp Trung thu.

Trong khi đó, cửa hàng Yến Sào Khánh Hòa (đường Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) đã sắp về đích chỉ tiêu Công ty giao. Bà Bùi Thị Lành-Cửa hàng trưởng-phấn khởi nói: “Mấy ngày nay, hàng bắt đầu tiêu thụ mạnh. Hiện tại, hàng còn rất ít nên chắc chắn cửa hàng sẽ đạt chỉ tiêu giao 1 tỷ đồng, bằng mức của năm ngoái”. Theo bà Lành, mặc dù có rất nhiều thương hiệu bánh nhưng xu hướng khách hàng ngày càng ưa chuộng ăn ít ngọt, ăn kiêng. Vì vậy, dù không có đa dạng dòng bánh bằng các thương hiệu khác nhưng Yến sào Khánh Hòa vẫn có một lượng khách hàng tương đối ổn định nhiều năm nay.

Dịp Trung thu năm nay, các mặt hàng đồ chơi trẻ em cũng được hầu hết cửa hàng cắt giảm số lượng nhập về. Vừa sắp xếp, treo thêm đèn lồng lên dây, chị Nguyễn Thị Dung-Chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em tại chợ thị xã An Khê-cho biết: Các mặt hàng đồ chơi trẻ em có nhiều mẫu mã mới, hình dáng sinh động, bắt mắt. Đồ chơi trẻ em truyền thống như đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá, mặt nạ giấy, đầu lân, sư, rồng, trống làm từ các chất liệu giấy, tre, nứa bảo đảm độ an toàn cho trẻ em được nhiều phụ huynh lựa chọn. Hầu hết mặt hàng được sản xuất trong nước, giá bình ổn. Như đầu lân dao động từ 60 ngàn đồng đến 2 triệu đồng/cái, trống từ 50 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/chiếc, đèn lồng giá 15-120 ngàn đồng/chiếc...

Em Trần Nguyễn Trung Khôi (thứ 4 bìa phải, tổ 5, phường An Phú, thị xã An Khê) cùng các bạn háo hức mua trống, đầu lân đón Tết Trung thu. Ảnh: Ngọc Minh

Em Trần Nguyễn Trung Khôi (thứ 4 bìa phải, tổ 5, phường An Phú, thị xã An Khê) cùng các bạn háo hức mua trống, đầu lân đón Tết Trung thu. Ảnh: Ngọc Minh

Những năm trước, em Trần Nguyễn Trung Khôi (tổ 5, phường An Phú, thị xã An Khê) theo các anh trong tổ đi múa lân khắp phố phường. Năm nay, Khôi chủ động mời các bạn thành lập đội lân “nhí” với 10 thành viên. Được bố mẹ cho tiền, nhóm của Khôi ra chợ mua trống, đầu lân, đèn ông sao, quần áo, mặt nạ ông địa. Khôi cho biết: “Năm nay, đồ chơi Trung thu có nhiều mẫu mã, nhất là đồ chơi truyền thống. Đội lân được trang bị đầy đủ nên chúng em sẽ tranh thủ luyện tập, góp thêm không khí rộn ràng đón Tết Trung thu”.

Với mong muốn tạo niềm vui cho con đón Tết Trung thu, chị Đinh Thị Ép (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) đã đặt mua bánh Trung thu và 2 chiếc lồng đèn truyền thống. Chị cho hay: “Sinh nhật con gái đầu đúng vào ngày rằm tháng 8. Kết hợp 2 sự kiện này, gia đình tổ chức phá cỗ trông trăng. Thay vì mua bánh sinh nhật, tôi mua bánh nướng, bánh dẻo, lồng đèn làm quà tặng con. Tôi thấy giá cả các mặt hàng phải chăng, chất lượng tốt”.

Thị trường càng gần đến Tết Trung thu càng sôi động. Nhằm kịp thời ngăn chặn việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai thanh tra, kiểm tra và truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2023.




“Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện cơ sở kinh doanh của bà Bùi Thị Thu Hiền (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) kinh doanh 3.200 cái bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ số bánh trên được đóng kín trong bì ni lông, trên nhãn từng bì ghi chữ tượng hình; trên sản phẩm hàng hóa và tài liệu kèm theo không có căn cứ xác định nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản và tịch thu toàn bộ số hàng hóa trên và xử phạt chủ cơ sở 12 triệu đồng”-ông Hà thông tin.


Có thể bạn quan tâm