Những ngày qua, theo dõi về vấn đề hoạt động từ thiện, người viết nhận thấy, nhìn ở một khía cạnh nào đó, thật sự trong hoạt động từ thiện của cá nhân hay nhóm thiện nguyện, đang gặp phải một vướng mắc rất lớn về mặt pháp lý sau đó, khi kết thúc hành trình được cho là biểu lộ thiện ý với cộng đồng.
Nhưng, không thể không loại trừ có những người nhân danh từ thiện để trục lợi. Vì vậy, soi xét các mặt của vấn đề từ thiện đang phơi bày, cho thấy công chúng có biết bao tâm sự ngổn ngang, khiến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng cần có quy định pháp luật để ngăn ngừa việc xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân.
Đại diện Báo Thanh Niên trao tiền bạn đọc đóng góp hỗ trợ các cháu trong chương trình bảo trợ trẻ mồ côi tại TP.HCM. Ảnh: Khả Hòa |
Thiển ý, đây là một ý kiến đúng và rất cần thiết. Một quy định được luật hóa, sẽ ngăn ngừa được các hành xử nhân danh từ thiện kể trên, vốn đã gây ra biết bao hệ lụy và sự trăn trở của công chúng về vấn đề này. Nhưng vấn đề cốt lõi, là quy định ấy ra sao, chặt chẽ đến mức nào để vẫn giữ được 2 yếu tố then chốt: vừa ngăn ngừa được sự lạm dụng, vừa có thể huy động được nguồn lực cộng đồng chung tay góp sức hỗ trợ đồng bào khi cần thiết?
Đã gọi nhau bằng hai tiếng đồng bào thì nghĩa cử thiêng liêng thiện ý phải đặt lên trước, song trong quá trình hướng thiện ấy cần dành tất cả tâm nguyện trong sáng mới đạt được hiệu quả như mong muốn. Tâm hồn được thanh thản, há chẳng phải là ý nghĩa cao đẹp khi làm từ thiện hay sao?
Bây giờ, bên cạnh thiện ý ấy, có thêm những điều khoản quy định rạch ròi, để sự hướng thiện càng được nhân rộng. Ai ai cũng có thể chung tay giúp đỡ cộng đồng, tuân thủ quy định hẳn hoi và có sự giám sát chặt chẽ bằng các định chế tài chính.
Chẳng có gì phải e ngại, một khi sự chân tình, công tâm, minh bạch của hoạt động từ thiện được những người đóng góp biết rõ. Cái gốc của vấn đề từ thiện là ở chỗ đó!
Theo TRẦN THANH BÌNH (TNO)