Emagazine

Multimedia

Emagazine

Thiếu thuốc, vật tư y tế: Bệnh viện gặp khó, người dân thiệt thòi

E-magazine Thiếu thuốc, vật tư y tế: Bệnh viện gặp khó, người dân thiệt thòi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đưa mẹ đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị Trần Thị Hồng (tổ 5, phường Hội Thương, TP. Pleiku) chia sẻ: Mẹ chị bị bệnh tim, huyết áp, thấp khớp và một số bệnh khác. Mỗi tháng, chị đưa mẹ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám 1-2 lần. Những lần khám bệnh trước, thuốc rất đầy đủ. Tuy nhiên, hơn 1 tháng trở lại đây, mẹ chị thường xuyên bị thiếu thuốc. Một số loại thuốc tim mạch như: DigoxineQualy 0,25 mg trị suy tim, thuốc Aspirin, thuốc bổ não… hầu như không có, phải mua ngoài. “Bác sĩ nói do các loại thuốc này chưa có nên kê loại thuốc tương tự thay thế. Tuy nhiên, một số loại thuốc bệnh viện không có, cũng không có thuốc tương tự thay thế nên tôi phải ra ngoài mua cho mẹ uống. Việc thiếu thuốc chỉ tạm thời thì không sao nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Tôi mong các bệnh viện quan tâm mua sắm đầy đủ các loại thuốc đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho người dân, trong đó có người tham gia BHYT”-chị Hồng bộc bạch.

Anh Trần Ngọc Sơn (phường Trà Bá, TP. Pleiku) bị viêm ruột đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng một số loại thuốc không có nên anh phải tự ra ngoài mua uống.

Một số người bệnh, người nhà bệnh nhân cũng phản ánh tình trạng thiếu vật tư y tế. Anh Đ.N.H. (thôn 2, xã Trà Đa, TP. Pleiku) cho biết: Mới đây, vợ anh bị tai nạn cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Lúc truyền dịch, Bệnh viện không có dây chuyền nên anh phải ra ngoài để mua.

Không chỉ thiếu thuốc Tây, vật tư y tế mà các loại thuốc Đông y cũng thiếu. Theo một bác sĩ (nhân vật đề nghị giấu tên): “Vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân nói chung, bệnh nhân có BHYT nói riêng mà còn gây khó khăn cho công tác khám-chữa bệnh. Thiếu thuốc nên khi kê đơn cho bệnh nhân, bác sĩ chỉ kê các loại thuốc thay thế. Tuy nhiên, có trường hợp ngay cả thuốc thay thế cũng hết nên bệnh nhân buộc phải mua ngoài. Còn khẩu trang, găng tay y tế… là những vật dụng bảo hộ rất cần thiết trong quá trình khám-chữa bệnh nhưng nhiều lúc bệnh viện không kịp trang bị, chúng tôi không đợi được cũng phải tự bỏ tiền túi ra mua”.

Trao đổi với P.V, bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh thừa nhận có tình trạng thiếu một số loại thuốc, nhưng chỉ thiếu cục bộ do đứt gãy chuỗi cung ứng từ các nhà sản xuất. Trong đó có các loại thuốc Bệnh viện đã đặt hàng nhưng công ty cung ứng báo chưa có như: Atirlic forte, Octreotide, Avodirat, DigoxineQualy 0,25 mg … “Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, Bệnh viện đã tìm các loại thuốc tương tự để thay thế, phần nào đảm bảo nhu cầu chữa bệnh của người dân; tổ chức mua sắm cục bộ; mượn và điều tiết tại các bệnh viện, trung tâm y tế khác…Chúng tôi cố gắng khắc phục sớm để đảm bảo thuốc, vật tư y tế trong khám-chữa bệnh cho người dân nói riêng, người dân có thẻ BHYT nói chung”-bác sĩ Mỹ cho biết.

Một số bệnh viện, trung tâm y tế thiếu thuốc do bị nhà cung ứng tạm ngừng cung cấp là do công nợ quá hạn chưa thanh toán. Bác sĩ Lý Tiến Thành-Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh-cho hay: Ngoài lý do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không đấu thầu được thì việc thiếu thuốc một phần là do các nhà cung ứng tạm ngừng cung cấp vì đơn vị chưa trả tiền thuốc trước đó. “Ngoài ra, việc thiếu thuốc y học cổ truyền xuất phát từ Thông tư số 38/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền, có hiệu lực từ quý I-2022. Theo thông tư này, các cơ sở khám-chữa bệnh có trách nhiệm sử dụng vị thuốc y học cổ truyền đã được cấp số đăng ký.”-bác sĩ Thành nêu thực trạng.

Tại Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ, do gặp vướng mắc nên nhiều tháng qua vẫn chưa bổ nhiệm lại người đứng đầu. Vì thế, đơn vị không tiến hành các thủ tục ký kết hợp đồng và thanh quyết toán nên một số vật tư, hóa chất, thuốc bị thiếu cục bộ.

Theo dự báo của Sở Y tế, từ nay đến ngày 1-1-2023, khả năng một số cơ sở y tế sẽ xuất hiện tình trạng thiếu cục bộ một số loại thuốc cấp cứu và thuốc chuyên khoa đặc trị. Nguyên nhân là do các cơ sở y tế chưa kịp thời thanh toán công nợ theo hợp đồng đã ký nên nhà thầu không cung ứng thuốc; một số thuốc trúng thầu nhưng nhà thầu không cung ứng đủ số lượng theo thỏa thuận khung vì lý do bất khả kháng (do dịch Covid-19 nên doanh nghiệp không nhập khẩu được thuốc và nguyên liệu làm thuốc)...


Có thể bạn quan tâm