Biển đảo Việt Nam

Thư lá cây ở Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những chiếc lá tra hay lá bàng vuông được gửi kèm trong mỗi phong thư về đất liền là một nét độc đáo chỉ có ở đảo Trường Sa.

Những phong thư gửi kèm chiếc lá tra ở đảo Trường Sa. Ảnh: H.S

Tại các hòn đảo tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc chỉ có hai loại cây có sức sống mãnh liệt là cây tra và bàng vuông. Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hai loại cây này vươn lên xanh tốt, tỏa bóng che mát cho quân và dân trên đảo. Cây tra và cây bàng vuông được ví như hình ảnh người chiến sĩ hải quân can trường vượt lên mọi khó khăn để bảo vệ yên biển trời Tổ quốc. Ngoài ra, lá cây tra và cây bàng vuông còn được dùng làm rau hoặc gói bánh chưng loài xanh.

Từ lâu trong mỗi phong thư từ Trường Sa gửi về đất liền ngoài những tình cảm chất chứa được chuyển tải bằng ngôn từ trên trang giấy trắng còn kèm theo một lá tra hoặc lá bàng vuông. Chiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: “Ở đảo không có bưu thiếp, chúng em thường chọn những chiếc lá tra hay lá bàng vuông vừa rời cành, lá đã vàng nhưng lá còn nhẵn bóng và chưa khô cong, viết chữ lên rồi gửi về đất liền như một món quà”.

Cầm trên tay một chiếc lá tra có hình dạng tựa trái tim to bằng bàn tay, anh Đỗ Huy Minh-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đồng thời là người trông coi và nhận, gửi thư từ đảo về đất liền cho biết: “Dù bây giờ việc liên lạc đã đơn giản hơn, nhưng quân và dân trên đảo vẫn gửi thư tay cho gia đình, bạn bè. Trong thư thường gửi kèm lá tra hay lá bàng vuông. Ở đảo xa, việc này ý nghĩa lắm. Cả người gửi và nhận đều bồi hồi vì trung bình cả tháng thư mới đến nơi. Cũng có khi không nhận được vì thất lạc. Tôi cũng thường gửi thư cho những người thân thiết ở đất liền”.

Không chỉ riêng quân và dân tại đảo Trường Sa, rất nhiều thành viên của những đoàn công tác đến thăm đảo đã viết một bức thư hoặc viết trực tiếp lời chúc lên lá tra, lá bàng vuông rồi gửi về cho người thân hoặc nơi làm việc của mình và coi đó là một niềm vui. “Mỗi lần có đoàn công tác, chúng tôi thường gửi giúp thư với số lượng khá nhiều, có đoàn lên đến vài trăm bức, có khi không đủ giấy và bì thư. Nhiều thành viên trong đoàn công tác khi trở về đất liền nhận được thư đã viết thư trả lời và gửi tặng thêm nhiều phong bì, thiệp ra đảo”-anh Minh kể.
Hàng ngày, bên cửa phòng làm việc và cũng là bưu điện, anh Đỗ Huy Minh lại tỉ mẩn ngồi đóng dấu, dán kỹ lại phong bì và tem thư, kiểm tra lại địa chỉ nhận gửi và nhận trên phong bì để việc gửi không bị thất lạc. “Mỗi bức thư chất chứa biết bao nỗi niềm, hy vọng của người gửi nên chúng tôi phải cẩn thận kiểm tra kỹ càng”-anh Minh nói.

Cũng theo anh Minh, những năm trước, tại đảo Trường Sa chưa mở bưu điện, việc gửi thư vào đất liền phải nhờ những chuyến tàu ra, vào đảo của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân hoặc tàu của ngư dân. Hiện nay, việc gửi thư thuận tiện hơn vì đã có bưu điện. Thư cũng ít thất lạc hơn. Anh Minh cũng cho biết đã đề xuất lãnh đạo Bưu điện tỉnh Khánh Hòa in những con tem, bưu thiếp có hình ảnh trên đảo Trường Sa như cột mốc chủ quyền, chùa Trường Sa, nhà lưu niệm... Những hình ảnh này sẽ góp phần vun đắp tình cảm của mỗi người dân với Trường Sa.

 Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm