Thời sự - Bình luận

Thuận lợi cho người về ăn Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một cái Tết đang đến gần với những tất bật lo toan của mọi người, mọi nhà.

Các bến xe, ga tàu, sân bay đang ngày một đông dần, nhu cầu đi lại dịp Tết gia tăng, nhất là khi các tỉnh phía Nam tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Người lao động quê từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam sinh sống, làm việc trong những ngày này đã nghĩ tới chuyện về quê ăn Tết nhiều hơn sau nhiều ngày tháng xa quê.

Nhưng nhìn vào quy định về xét nghiệm, cách ly người từ các tỉnh, thành khác trở về địa phương của nhiều tỉnh, thành, không khó để thấy một số nơi cẩn trọng đến mức thái quá. Nhiều người tỏ ra nản lòng nếu phải đối diện những ngày ở quê phải cách ly dài, quỹ thời gian để vui vầy bên gia đình còn lại rất ít ỏi nếu không về sớm trước ngày 20 tháng chạp.

Đành rằng với trách nhiệm quản lý địa bàn, mong muốn bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 nên các địa phương ban hành những văn bản với quy định chặt chẽ. Ý thức trách nhiệm đó là tốt nhưng cách thực thi lại không đúng và cứng nhắc; nhiều nơi đã hành xử một cách duy ý chí, khắt khe. Thậm chí có nơi còn hành xử tùy tiện, như ở xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, có việc vận động người dân để cán bộ thôn khóa cửa cổng của các gia đình có người đi làm ăn xa từ vùng dịch trở về xã và dán thông báo "gia đình có người cách ly y tế tại nhà" ngay trước cổng. Hay ở xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, một gia đình có người từ "vùng đỏ" trở về, xét nghiệm âm tính vẫn bị khóa cửa nhà "để cách ly 7 ngày".

Trước tình trạng này, ngày 17-1, Bộ Y tế đã có công văn gửi chủ tịch UBND tỉnh, thành về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch chưa phù hợp và ngày 22-1 lại có công văn gửi các tỉnh, thành về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về quê dịp Tết. Trước đó, trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 18-1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc ứng xử của các tỉnh đối với người dân về quê ăn Tết đang là vấn đề cấp bách, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm để giải quyết.

Rõ ràng, không thể cứ phòng chống dịch Covid-19 một cách cứng nhắc mà tư duy phòng chống dịch Covid-19 phải thay đổi, thích ứng linh hoạt. Tình trạng "ngăn sông cấm chợ" trong phòng chống dịch giai đoạn đầu đã gây ra bao hệ lụy phiền toái, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, dân sinh. Nay khi đất nước trở lại giai đoạn hồi phục kinh tế, cả nước thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch thì việc tự đặt ra các quy định ngặt nghèo là không nên và là yếu tố cản trở lưu thông, giao thương, kết nối. Mặt khác, nó cũng là những quy định làm khó và không phù hợp nguyện vọng của đông đảo người xa quê muốn được sum vầy, đoàn tụ gia đình, hưởng cái Tết đầm ấm, hạnh phúc.

Chính phủ đã nới lỏng nhiều hoạt động, kể cả đi lại, kiểm soát rủi ro và tỉ lệ người dân tiêm vắc-xin đã cao, nên những quy định "ngăn sông cấm chợ" sẽ trở nên lỗi thời, các địa phương cần dẹp bỏ. Việc cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về, hãy tuân theo quy định của Bộ Y tế mà thực hiện, vẫn bảo đảm quản lý, cách ly chặt chẽ người trong nước và người nhập cảnh mà không gây phiền hà, khó xử.

Theo HOÀNG TRUNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm