Thời sự - Bình luận

Thuế xe ôm công nghệ 10%: Đánh thẳng vào túi dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) với xe công nghệ sẽ 10% trên doanh thu sẽ “không làm tăng nghĩa vụ thuế đối với cá nhân tài xế”- giải thích quan chức ngành thuế. Điều đó cũng có nghĩa nó sẽ đánh thẳng vào túi dân.

 

138 ngàn đồng là doanh thu từ 5h sáng đến cuối giờ chiều của một tài xế công nghệ. Sau khi trừ chi phí sẽ "chẳng còn đồng nào", và giờ, thuế sẽ đánh 10% trên mức doanh thu này bất kể lỗ lãi bất kể họ có thể duy trì được cuộc sống hay không (Ảnh: Huân Cao/LĐ)



Bức hình được PV Lao động chụp lại từ điện thoại của Vũ, một tài xế grab.

Vũ chạy xe suốt từ 5h sáng. 138 ngàn.

Nhưng lưu ý, đó là doanh thu. Và doanh thu không phải là thu nhập. Nếu trừ chi phí xăng xe, ăn uống, phí quản lý, công sức cả ngày của Vũ sẽ “chẳng còn đồng nào”.

Vũ, đến từ Bình Dương, một điển hình của “xe ôm công nghệ”. Gia cảnh anh khá khó khăn. Sinh kế duy nhất là chiếc xe. Trên vai là gánh nặng mẹ già con nhỏ.

Vũ ăn nhờ ở đợ. Vừa qua 2 tháng đại dịch sống bằng cách cầm cự. Và giờ, lại thêm một “đại dịch mới” có tên là thuế.

Theo nghị định 126, thay vì nộp thuế khoán theo mức khoán 3% thuế GTGT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân như hiện nay, từ ngày 5.12 tới, những người lái xe công nghệ như Vũ sẽ chịu thuế 10% trên doanh thu.

“Bán xe, chuyển nghề”- đó là cái lắc đầu ngán ngẩm của tài xế công nghệ trước mức thuế mới mà từ “chẳng còn đồng nào” có lẽ xuống tới âm không phải là không có khả năng.

Nhưng nó giống với một phản ứng, một cách bày tỏ thái độ hơn là một giải pháp thật sự.

Đơn giản, những người như Vũ, “làm việc cho một công ty toàn cầu, đa quốc gia”, như cách đùa đầy cay đắng - từ lâu đã không còn sự lựa chọn sinh kế.

Xe công nghệ, nói cho sang mồm chứ thật ra chỉ là một lựa chọn khi người ta không còn có cách lựa chọn nào khác, khi bị buộc phải bán mồ hôi, lá phổi.

90% xe ôm công nghệ đang có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Mức thu nhập, nếu trừ chi phí, thậm chí, chỉ đủ sống. Nhưng từ lâu, cực kỳ vô lý là họ đã phải chịu thuế thu nhập cá nhân - không giảm trừ gia cảnh như những ngành nghề khác.

Và giờ đây, cách đánh thuế mới, doanh thu sẽ giảm tiếp 7,3%, mồ hôi và lá phổi sẽ còn rẻ hơn nữa.

Nhưng nạn nhân không chỉ là Vũ, là tài xế công nghệ.

Hãy nghe lời trấn an của một quan chức ngành thuế: “Đây là tiền thuế người tiêu dùng đóng, doanh nghiệp chỉ kê khai và nộp thay”.

Giải thích cực kỳ rõ ràng, ở ý nghĩa, việc thay đổi thuế, đánh vào bộ phận dưới đáy xã hội, thật ra cũng là gián tiếp là đánh vào túi người tiêu dùng mà thôi.

7% thuế tăng thêm, chỉ để “đúng bản chất hoạt động kinh tế phát sinh, phù hợp thông lệ quốc tế và các luật về thuế”, trong khi ở Việt Nam hầu như người dân không có thói quen kê khai và khấu trừ vào thuế thu nhập cá nhân các chi phí kiểu xe ôm như thế này.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/thue-xe-om-cong-nghe-10-danh-thang-vao-tui-dan-857970.ldo

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm