Multimedia

Emagazine

E-magazine Tìm giải pháp nâng cao chỉ số DDCI, PCI và PGI


Chủ trì hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Hữu Quế, Dương Mah Tiệp. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng); lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Nữ doanh nhân tỉnh.



Năm 2022, có 18 đơn vị thuộc nhóm sở, ban, ngành và 17 đơn vị thuộc nhóm cấp huyện tham gia đánh giá chỉ số DDCI; có 818 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (được lựa chọn ngẫu nhiên) tham gia trả lời khảo sát. Theo báo cáo, ở nhóm các sở, ban, ngành, Bảo hiểm Xã hội tỉnh tiếp tục giữ vị trí cao nhất với 71,24 điểm; Sở Thông tin và Truyền thông xếp thứ 2 với 71,05 điểm; Sở Kế hoạch và Đầu tư đứng thứ 3 với 70,79 điểm. 3 vị trí thấp nhất ở nhóm này lần lượt là Cục Quản lý thị trường tỉnh (67,57 điểm), Sở Nông nghiệp và PTNT (67,56 điểm), Sở Tài nguyên và Môi trường (67,02 điểm). Còn ở nhóm các địa phương, 3 vị trí đầu bảng lần lượt thuộc về TP. Pleiku (70,36 điểm), thị xã An Khê (69,75 điểm) và huyện Đức Cơ (69,23 điểm); 3 đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng gồm: huyện Chư Păh (57,41 điểm, xếp thứ 15/17), huyện Ia Pa (57,36 điểm, xếp thứ 16/17) và huyện Mang Yang (56,86 điểm, xếp thứ 17/17).



Theo bảng xếp hạng PCI năm 2022, Gia Lai đạt 64 điểm, xếp thứ 45/63 tỉnh, thành (giảm 0,9 điểm so với năm 2021 và giảm 19 bậc trên bảng xếp hạng chung cuộc); xếp thứ 4 của khu vực Tây Nguyên (giảm 2 bậc so với năm 2021) sau tỉnh Lâm Đồng (67,62 điểm, xếp hạng 17/63), tỉnh Kon Tum (64,89 điểm, xếp hạng 37/63) và tỉnh Đak Nông (64,87 điểm, xếp hạng 38/63). Gia Lai có điểm số thấp hơn 1,22 điểm so với điểm trung vị (65,22 điểm).

Đây là năm đầu tiên chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) được đưa vào đánh giá xếp loại với 4 chỉ số thành phần: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường; chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Theo đó, PGI năm 2022 của Gia Lai đạt 13,52 điểm, thấp hơn 1,18 điểm so với điểm trung vị, xếp thứ 52/63 tỉnh, thành và xếp thứ 5/5 ở khu vực Tây Nguyên.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2022, các chỉ số PCI, PGI của tỉnh đều giảm điểm và giảm bậc. Một số chỉ số thành phần của tỉnh có thứ bậc giảm mạnh như: chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất (giảm 35 bậc), cạnh tranh bình đẳng (giảm 17 bậc), đào tạo lao động (giảm 27 bậc), tính minh bạch (giảm 14 bậc). Còn đối với chỉ số PGI, trong 4 chỉ số thành phần, ngoài chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu xếp hạng 15/63 cần được duy trì, phát huy thì 3 chỉ số thành phần còn lại đều có thứ hạng thấp, lần lượt xếp thứ 53/63, 54/63 và 59/63.



Mặc dù kết quả xếp hạng DDCI, PCI, PGI không như mong muốn, song không thể phủ nhận những nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động thời gian qua. Ông Hồ Anh Tuân-Phó Giám đốc VCCI-Chi nhánh Đà Nẵng-nhận định: “Kết quả DDCI năm 2022 cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã có những đánh giá tích cực hơn về công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và các công việc có liên quan. Khả năng vận dụng linh hoạt chính sách, chủ trương, quy định pháp luật của lãnh đạo cấp huyện nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cũng được đánh giá cao. Nhiều doanh nghiệp cảm nhận các vướng mắc, khó khăn phần nào được lắng nghe, xử lý trong các chương trình trao đổi thông tin, đối thoại doanh nghiệp”.



Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Đến nay, 100% TTHC các lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thành lập đơn vị trực thuộc, tạm ngừng hoạt động, giải thể... đều thực hiện trực tuyến. Thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới và thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp... không quá 1 ngày làm việc, rút ngắn hơn nhiều so với quy định là 3 ngày làm việc như trước kia”.



Có nhiều nguyên nhân khiến các chỉ số PCI, PGI năm 2022 của Gia Lai đạt thấp. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn chỉ rõ: “Một số chỉ số con do Sở phụ trách đạt kết quả chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do việc bố trí cán bộ tiếp nhận hồ sơ (nhân viên bưu điện) chỉ thuộc đầu mục TTHC, còn nội dung chưa nắm rõ dẫn đến việc trả hồ sơ để chỉnh sửa bổ sung, mất thêm thời gian. Doanh nghiệp mất nhiều thời gian để tìm hiểu và chuẩn bị hồ sơ theo quy định. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, doanh nghiệp phải triển khai các bước mở tài khoản ngân hàng, đăng ký chữ ký số, kê khai thuế và đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử… phần nào kéo dài thời gian chờ đợi để chính thức đi vào hoạt động”.

Liên quan đến lĩnh vực đất đai, ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho hay: “Sở cũng có 11 chỉ số con giảm điểm gồm: số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tỷ lệ doanh nghiệp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch; tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tiến độ giải phóng mặt bằng chậm; các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian; tỷ lệ doanh nghiệp có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có do TTHC rườm rà, lo ngại cán bộ nhũng nhiễu... Chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục những hạn chế này”.



Trên cơ sở xác định nguyên nhân khiến chỉ số PCI, PGI đạt thấp cũng như một số hạn chế gây ảnh hưởng đến thứ hạng DDCI của các sở, ngành, địa phương đã được “điểm mặt” cụ thể, các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận, đề ra những giải pháp cụ thể để tiếp tục duy trì các chỉ số con có mức xếp hạng cao; tập trung giải pháp cải thiện các chỉ số con có mức xếp hạng thấp, lấy mục tiêu cao nhất để phấn đấu, đặc biệt là các chỉ số con có sự giảm điểm, giảm bậc so với năm 2021 và các chỉ số con thuộc 4 chỉ số thành phần của chỉ số PGI-là chỉ số mới năm 2022.



Để cải thiện chỉ số tính minh bạch-một trong những chỉ số thành phần quan trọng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hùng đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện công khai 100% thông tin, tài liệu quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh sau khi đã được phê duyệt. Các sở, ngành, địa phương cần cập nhật kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật (vbpl.vn), công báo của tỉnh, cổng thông tin điện tử tỉnh, trang/cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, các sở, ngành, các địa phương cần kịp thời trả lời, giải đáp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.



Còn Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng thì đề xuất: Gia Lai nên tiếp tục cải thiện chỉ số chi phí thời gian; hạn chế thanh tra, kiểm tra; thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trong các cơ quan, đơn vị, đồng thời tăng cường cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, phổ biến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hiệp định thương mại tự do CPTPP và các FTA.

Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhấn mạnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến tham gia tại hội nghị để hoàn chỉnh kế hoạch khắc phục, nâng cao chỉ số PCI, PGI năm 2023 và các năm tiếp theo. Các sở, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch khắc phục, nâng cao chỉ số PCI, PGI và DDCI theo lĩnh vực phụ trách; kế hoạch xây dựng với bố cục theo từng tiêu chí, từng chỉ số con, chỉ số thành phần; công khai, minh bạch thông tin theo đúng quy định. Tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo các điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; chủ động, kịp thời xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định”.



Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị phải thiết lập “đường dây nóng”, công khai số điện thoại lãnh đạo, bộ phận tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp lên website của đơn vị và xử lý thông tin kịp thời. Nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý theo quy định và thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân vi phạm các quy định trong thực thi công vụ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ công chức, viên chức về trách nhiệm, tác phong, năng lực trong thực thi công vụ; thiết lập các kênh liên thông thống nhất trong quy trình xử lý hồ sơ giữa các sở, ngành, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.


Có thể bạn quan tâm