Tại Việt Nam, báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138) cho thấy giai đoạn 2016 - 2020 cả nước có 1.266 vụ, với 1.690 đối tượng phạm tội, lừa bán 2.956 nạn nhân. 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng phát hiện, điều tra 88 vụ/229 đối tượng phạm tội mua bán người với 224 nạn nhân, tăng 55 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Cơ quan chức năng ghi nhận nạn mua bán người xảy ra ở nhiều địa phương.
Đầu tháng 7.2023, tại TP.HCM, Ủy ban Tư pháp Quốc hội phối hợp Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo "Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người tại một số địa phương và định hướng sửa đổi luật Phòng, chống mua bán người". Nhiều ý kiến của các chuyên gia tại buổi hội thảo này chỉ ra một số khó khăn trong công tác phòng, chống mua bán người.
Theo đó, nạn nhân của tội phạm mua bán người không chỉ tập trung vào phụ nữ, trẻ em như trước đây mà nhiều nam giới trong độ tuổi lao động, do hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật còn thấp, bị các đối tượng phạm tội lợi dụng đưa sang nước ngoài bóc lột lao động.
Nguyên nhân chính khác cũng được đề cập là nhu cầu thị trường lao động giữa các quốc gia rất lớn, trong khi nhu cầu có việc làm, mong muốn đổi đời, có thu nhập cao của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ cao, vì vậy nạn nhân dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc...
Chính vì vậy, việc chia sẻ kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này cần được nâng cao. Người lao động cần lưu ý những kênh thông tin tìm việc an toàn, từ các cơ quan nhà nước như: Phòng LĐ-TB-XH, các trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương, Trung tâm lao động ngoài nước (colab.gov.vn), Cục Quản lý lao động ngoài nước (dolab.gov.vn)… Người lao động cũng cần tìm hiểu thông tin về các công ty tuyển dụng hợp pháp (được cấp giấy phép hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài) trên các website đã được cơ quan chức năng công bố.