Kể về cơ duyên đến huyện Phú Thiện làm công tác từ thiện, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ FSB (TP. Hồ Chí Minh) Bùi Anh Tuấn bảo rằng, đó là từ sự kết nối của thầy Phan Công Đương-Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn. “Qua thầy Đương, tôi được biết nhiều đơn vị trường học ở huyện Phú Thiện gặp khó khăn, thiếu thốn đủ đường. Sau đó, tôi xuống huyện để khảo sát thực tế. Lần đầu đặt chân đến điểm trường Ia Pau của Trường Tiểu học Lê Lợi, tôi đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh quan trường lớp xập xệ, bụi bặm, còn học sinh thì nhễ nhại mồ hôi ngồi học bài, áo quần xộc xệch, trong khi hệ thống điện lưới ngay cạnh bên nhưng chưa được kéo vào điểm trường. Thế là tôi quyết định bỏ tiền túi 500 triệu đồng xây dựng thêm 2 phòng học, lát gạch sân trường, xây nhà vệ sinh, tường bao cho điểm trường Ia Pau. Tại lễ bàn giao công trình, tôi còn hỗ trợ thêm hàng trăm suất quà cho các em học sinh và người dân trong vùng. Ngoài ra, tôi cũng vận động được mấy chục bộ bàn ghế học sinh gửi ra tặng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện để phân bổ cho các trường còn thiếu”-ông Tuấn nhớ lại.
Câu chuyện kể của Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ FSB đã thôi thúc tôi xuôi đèo Chư Sê tìm gặp thầy Phan Công Đương. Khuôn viên Trường THCS Lê Quý Đôn rộng chừng 1 ha, nằm sát quốc lộ 25. Trước mắt tôi không chỉ có 4 dãy phòng học, nhà hiệu bộ khang trang mà còn có nhiều cây xanh, ao cá, sân bóng đá mini. Sân trường được đổ bê tông phẳng lì. Tiếp chuyện tôi trong không gian thoáng đãng, thầy Đương tâm sự: Thầy sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Hà Tĩnh, đã từng nếm trải những tháng ngày gian khó với không ít bữa cơm chưa ấm bụng. Vì vậy, hơn ai hết, thầy thấu hiểu từng hoàn cảnh của học sinh vùng khó, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số. Công tác trong ngành GD-ĐT huyện Phú Thiện từ năm 1999 đến nay, thầy Đương đã tìm nhiều cách để nâng bước học sinh đến trường. Đặc biệt từ năm 2015 đến nay, thầy đã kết nối, kêu gọi Mạnh Thường Quân ở mọi miền trong cả nước quan tâm hỗ trợ các em học sinh tại địa phương.
“Việc trước tiên tôi làm là kết nối, thắt chặt tinh thần đoàn kết của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Tiếp đến là cải tạo cơ sở vật chất. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng. Vậy là, tôi quyết định kêu gọi sự tài trợ của các nhà hảo tâm. Chuyến đi đầu tiên, tôi chạy xe máy xuyên đêm vào TP. Hồ Chí Minh gặp sinh viên Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech) từng là tình nguyện viên ở Gia Lai nhờ kết nối gặp những người có tấm lòng thảo thơm. Lần sau thì đi xe khách. Nhưng hồi đó gặp ai họ cũng chối bởi cần những loại giấy tờ của cấp có thẩm quyền xác tín. Đi xin tài trợ mãi không được, tôi đâm nản. Cũng có lúc, nước mắt tôi tự chảy khi nghĩ đến việc bản thân cũng là người đứng đầu một trường học, có nhất thiết phải khổ như này không. Và rồi, may mắn đã đến khi tôi gặp anh Phạm Đình Quý (trú tại tỉnh Lâm Đồng) và được anh kết nối với nhiều Mạnh Thường Quân khác”-thầy Đương kể.
Từ năm 2015 đến nay, từ nguồn kinh phí do các nhà hảo tâm tài trợ, Trường THCS Lê Quý Đôn từng bước được thay đổi theo hướng xanh-sạch-đẹp-an toàn. Thầy Đương bộc bạch: “Ngày trước, sân trường chưa mưa đã ngập nước. Từ nguồn kinh phí được tài trợ, giáo viên và phụ huynh cùng chung sức tôn tạo, đổ đất quanh sân trường cao lên chừng 1 m. Hết cảnh ngập lại qua cảnh lầy lội. Tôi kêu gọi tài trợ kinh phí để tiến hành bê tông hóa sân trường và di dời cây cối cho hợp lý, khoa học. Trong khi công việc đang tiến hành thì hết tiền, không đành lòng nhìn việc dở dang, vợ chồng tôi mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình thế chấp ngân hàng vay 60 triệu đồng để làm cho xong. Mừng là có Mạnh Thường Quân tài trợ chứ không thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn ở trong ngân hàng. Tiếp đó, tôi kêu gọi ủng hộ kinh phí làm 2 nhà xe, sân bóng đá, mua máy lọc nước, máy vi tính, xe đạp, sách, vở và xây dựng thêm các phòng học. Tính riêng số tiền nhà hảo tâm tài trợ cho Trường THCS Lê Quý Đôn đến nay đã vào khoảng 2,3 tỷ đồng. Nhờ vậy, trường ngày càng đẹp hơn”.
Trong câu chuyện vui về điểm trường Ia Pau được xây dựng khang trang từ nguồn kinh phí xã hội hóa, cô Nguyễn Thị Thúy Ngần-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi-không quên nhắc đến công lao của thầy Đương trong việc kêu gọi Mạnh Thường Quân tài trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho trường.
Chứng kiến sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của Trường THCS Lê Quý Đôn, thầy Nguyễn Huy Hoàng-giáo viên bộ môn Toán Lý-chia sẻ: “Cách đây chừng 10 năm, nhiều phòng học xuống cấp, mưa dột tứ phía. Nhiều hôm, giáo viên phải thay nhau dọn sách vở, đồ đạc trong các phòng học để tránh bị ướt. Cứ mưa là sân trường ngập nước. Chúng tôi thường xuyên dọn vệ sinh sau mỗi trận mưa. Bây giờ thì khác hoàn toàn. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục của trường cũng được nâng lên. Từ một trường xếp hạng thấp, nhà trường đã vươn lên tốp đầu của huyện với nhiều học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Có được kết quả này không thể không nhắc đến sự đóng góp của thầy Đương, nhất là việc kêu gọi xã hội hóa để góp sức nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở. Điều đó cũng lan tỏa lối sống đẹp, góp sức vì cộng đồng. Cá nhân tôi cũng góp sức với thầy Đương trong việc kêu gọi nhà hảo tâm làm nhà xe trường học đợt vừa rồi”.
Tiếng trống nghỉ giữa giờ vừa dứt, các em học sinh tíu tít ùa ra sân vui chơi. Nhiều em tập trung dưới những hàng cây tỏa bóng mát cùng trò chuyện, chơi trò chơi. Thầy Đương quay về phía tôi nói: “So với trước đây thì trường đã khang trang hơn nhiều. Tuy nhiên, nhà trường hiện vẫn chưa có thư viện xanh. Hôm vừa rồi, tôi có đề nghị 1 học sinh cũ làm ở Trung ương Đoàn vận động, kêu gọi tài trợ giúp cho trường 1 thư viện xanh. Em cũng đồng ý rồi. Tôi đang kêu gọi Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ FSB và Quỹ Những tấm lòng nhân ái của Công ty cổ phần Tập đoàn Thế Kỷ (Hà Nội) xây dựng thêm 1 điểm trường, tài trợ 200 máy tính và 100 bộ bàn ghế. 2 đơn vị này cũng đã gửi thư trả lời là sẽ tài trợ. Nếu nhận được máy móc, thiết bị học tập nói trên, tôi sẽ chuyển về Phòng GD-ĐT để phân bổ cho các trường trong huyện. Tôi cũng sẽ cố gắng kêu gọi thêm các Mạnh Thường Quân tài trợ xã hội hóa cho không chỉ riêng Trường THCS Lê Quý Đôn trong thời gian tới. Mong rằng những gói tài trợ của các nhà hảo tâm trong nước tiếp tục giúp sức cho các trường trong huyện nâng cao chất lượng giáo dục”.