Thời sự - Bình luận

Tôn sư trọng đạo phải là giá trị sinh động trong đời sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nghề giáo, nghề gắn đời mình với bảng đen phấn trắng, được xã hội tôn vinh. Từ bao đời nay, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, chính vì hiếu học nên mới kính thầy.

 

Từ bao đời nay, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, chính vì hiếu học nên mới kính thầy.



Quan niệm truyền thống đó được ví von trong câu hỏi “Quân (vua), Sư (thầy), Phụ (cha) tam cang giả. Qua chuyến đò đầy sóng ngã cứu ai?”. Người thầy được đặt ngang hàng với vua và cha, địa vị tinh thần của người thầy tồn tại đến nay trong lòng nước Việt.

Nhưng không phải không có những lúc bị phôi phai, bị mai một, nhất là khi xã hội xem trọng tiền bạc vật chất, nhìn nghề giáo là một nghề không làm ra nhiều tiền như các nghề khác. Đồng lương thấp, thầy cô giáo phải đi làm thêm nhiều việc để kiếm sống, cho nên “địa vị tinh thần” của người thầy cũng bị hạ thấp

Và rõ ràng, không đặt nghề giáo lên cao, với đãi ngộ ưu tiên và xứng đáng là một sự sai lầm. Bởi vì, lựa chọn người có năng lực để làm thầy, tôn vinh và đãi ngộ, không chỉ là sự đối xử với người thầy mà với nghề giáo. Gương mặt của người thầy là hình ảnh của ngành giáo dục, cần phải rực sáng, phải tôn nghiêm.

Vừa qua, nhiều ý kiến đề xuất tăng lương cho ngành giáo dục, thầy cô giáo phải nhận được những ưu đãi tương xứng với cống hiến. Ngành sư phạm phải là ngành mà những học sinh giỏi lựa chọn. Có đầu vào tốt, đào tạo chất lượng cao, sẽ có được một thế hệ giáo viên ưu tú.

Khi đó, bất cứ ai cũng phải lựa chọn nghề giáo bằng tài năng và tình yêu nghề nghiệp. Yêu nghề mới say mê cống hiến và sáng tạo, để dạy cho học trò những điều hay lẽ phải, tri thức và ước vọng. Như câu thơ của nhà thơ - nhà giáo Đoàn Vị Thượng gửi gắm trong bài Bụi Phấn: "Trong giấc mơ tôi, những viên phấn hằng đêm vạch sáng những hành trình. Bảng xanh trước các em là chân trời rộng mở".

Có tình yêu nghề nghiệp, nhưng tình yêu đó luôn phải được nuôi dưỡng. Sự tiến bộ của xã hội gắn liền với sự tiến bộ của ngành giáo dục, giáo dục chất lượng càng cao thì sự tiến bộ càng nhanh. Chính vì vậy, phải dành cho nghề giáo những ưu đãi tương xứng và phù hợp với sự tiến bộ.

Được như vậy, thì truyền thống "tôn sư trọng đạo" mới thực sự đi vào đời sống, với những giá trị đo lường được. Địa vị tinh thần của người thầy được xây dựng bằng giá trị thật, không phải ảo.
 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ton-su-trong-dao-phai-la-gia-tri-sinh-dong-trong-doi-song-1118232.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)
 

Có thể bạn quan tâm