Biển đảo Việt Nam

Trong bóng hình sóng nước...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần 1 tuần lênh đênh trên biển, chiều 11-5-2015, tàu HQ571 đưa chúng tôi đến vùng biển Cô Lin-Len Đao-Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Vùng biển đảo linh thiêng đón chúng tôi trong gió yên, biển lặng. Trên mặt biển, từng đôi cá chuồn lướt nhẹ trong không trung rồi mất hút trong làn nước trong xanh óng ánh nắng chiều.

Tàu neo lại cạnh đảo Cô Lin để sáng hôm sau chúng tôi vào thăm cán bộ, chiến sĩ ở đây. Đúng 4 giờ chiều, chúng tôi làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến không cân sức với Hải quân Trung Quốc vào ngày 14-3-1988 để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đêm trước khi tàu neo tại khu vực đảo Sinh Tồn Đông, trong sự liên tưởng miên man về cái tên của hòn đảo kiên trung này, một cán bộ trên tàu đã kể cho chúng tôi nghe diễn biến trận chiến cách đây 27 năm. Chuyện kể rằng: Bất chấp công lý và lẽ phải, ngày 14-3-1988, Trung Quốc bất ngờ tấn công quân sự, bắn cháy, bắn chìm 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Mặc dù trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh phải đương đầu với lực lượng tàu chiến hùng hậu của Trung Quốc, nhưng các anh đã kết thành “vòng tròn bất tử” lấy thân mình bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì chủ quyền biển đảo. Ảnh: D.D
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì chủ quyền biển đảo. Ảnh: D.D


Trong câu chuyện thuộc như nằm lòng của các chiến sĩ Hải quân, chúng tôi biết rằng: Trong trận chiến không cân sức ấy, 64 cán bộ, chiến sĩ ta đã dũng cảm chiến đấu với quân Trung Quốc đến hơi thở cuối cùng. Cũng trong giờ phút lâm nguy ấy, lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã để lại nhiều tấm gương hy sinh cao cả cho thế hệ kế tiếp noi theo. Đó là Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông-Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ, Đại úy Vũ Phi Trừ-Thuyền trưởng tàu HQ606; Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương-Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công hung bạo của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương vẫn hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”.

Từ lâu, cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin và của cả huyện đảo Trường Sa đều khâm phục hành động quả cảm của Anh hùng, Thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ. Trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, anh đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm...

Sự hy sinh của các chiến sĩ tại vùng biển đảo linh thiêng này đã đi vào cảm thức của mọi người nên rất dễ hiểu khi tất cả 249 đại biểu trên tàu đều tề tựu đông đủ để dự lễ tưởng niệm. Trong tiếng nhạc trầm hùng và khói nhang trầm nghi ngút, tất thảy mọi người xúc động dâng trào khi nghe lời tưởng niệm từ Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Nhiều người không cầm được nước mắt khi nghe: “Dẫu biết vinh quang nào mà chẳng có mất mát hy sinh, hạnh phúc nào mà không phải đổi bằng máu xương, mồ hôi, nước mắt. Dẫu biết sự dâng hiến của các anh đã góp phần làm nên giá trị thiêng liêng của non sông đất nước, tinh hoa của dân tộc. Trong mênh mông biển trời của vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, với lòng thành kính, mỗi chúng tôi không thể cầm lòng...”. Sau phút mặc niệm là những cánh hoa được thả xuống mặt biển xanh. Cầu chúc cho anh linh các anh yên nghỉ trong lòng đại dương, trong bóng hình sóng nước!

Trưa hôm sau (12-5), sau khi thăm đảo Cô Lin, tàu hú hồi còi để nhổ neo thì cũng là lúc một cơn mưa giông ập đến. Làn mưa giăng giăng như một lời tiễn biệt! Cô Lin ở bên phải, Len Đao ở bên trái, bao đời nay vẫn vững vàng trước giông gió đại dương và sự nhòm ngó của các thế lực đen tối.

Duy Danh

Có thể bạn quan tâm