Ông Vương Nghị. Ảnh: Reuters |
Theo các nhà ngoại giao EU, trong chuyến công du châu Âu, ông Vương Nghị sẽ tham dự Hội nghị An ninh Munich- Đức và thăm trụ sở chính của EU ở Bỉ, mặc dù ngày chính xác của chuyến đi vẫn chưa quyết định.
Chuyến đi của Vương Nghị lần này diễn ra khi EU tìm cách tăng cường liên hệ trực tiếp với chính quyền Trung Quốc. Lúc cựu Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì làm lãnh đạo ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông đã tạm ngừng giải quyết vấn đề với EU, giao lại cho tân Ngoại trưởng Vương Nghị khi đó để tập trung chủ yếu vào quan hệ Mỹ - Trung.
Chuyến công du là cơ hội làm phá băng mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu, trong bối cảnh phương Tây cho rằng Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ Moskva liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Vương Nghị từng là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Sau đại hội đảng của nước này, ông Vương Nghị được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và nắm giữ cương vị Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, thay cho ông Dương Khiết Trì.
Xác định Mỹ là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu, Trung Quốc đang tìm cách khôi phục để quan hệ với châu Âu nồng ấm hơn thông qua con đường ngoại giao. Vào tháng 11, 12 năm ngoái, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng đã đến thăm Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì cho biết ông sẽ thăm Trung Quốc vào đầu năm nay.
Ở chiều ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã gặp các nhà lãnh đạo của Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha trong hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2022.
Hiện cơ quan đại diện của Trung Quốc tại EU cũng đã không trả lời khi được hỏi về kế hoạch của ông Vương Nghị.
Những dấu hiệu về việc tăng cường tiếp xúc, hợp tác giữa Bắc Kinh và Washington cũng đã thể hiện, với việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thăm Bắc Kinh vào đầu tháng 2 năm nay.
Một số quan chức EU cho biết Đại sứ mới của Trung Quốc tại EU là Fu Cong rất muốn tìm cách khôi phục quá trình phê chuẩn với Hiệp định Đầu tư Toàn diện EU-Trung Quốc đang bị đình trệ.
Hiệp định này do cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và cơ quan thương mại của Ủy ban châu Âu thúc đẩy mạnh mẽ, song vẫn bị Nghị viện châu Âu "đóng băng". Lý do là vì Bắc Kinh trừng phạt một số nhà lập pháp EU để đáp trả việc EU trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan cáo buộc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
TS ( từ TTXVN, PLO)