Học sinh lớp 1 phải “cõng” 23 đầu sách, nhập nhèm sách giáo khoa và sách tham khảo, vấn nạn lạm thu... là những câu chuyện thu hút sự chú ý và bức xúc của dư luận vào đầu năm học mới. Một trong những nguyên cớ của trình trạng này, phải kể đến việc các trường học, ngoài vai trò giáo dục học sinh đang trở thành “kênh phân phối” từ sách, vở, quần áo, đồ dùng... của các nhà sản xuất. Đằng sau câu chuyện này là góc khuất của những khoản “hoa hồng” trong trường học.
Tranh của ĐAN |
Trường học trở thành “kênh phân phối”
Vào đầu năm học mới, các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ GDĐT đều có những văn bản chỉ đạo siết chặt các khoản thu chi, ngăn chặn lạm thu, “cấm” việc nhập nhèm giữa sách giáo khoa (SGK) và sách bổ trợ, sách tham khảo... Tuy nhiên thực tế, đến hẹn lại lên, năm nào cũng có phụ huynh phản ánh phải bỏ ra số tiền lớn để mua sắm sách vở, đồ dùng, đồng phục cho con. Tất cả đều đăng ký thông qua nhà trường. Nói không được ép học sinh mua sách tham khảo, nhưng tại nhiều trường học, các loại sách này được trộn chung sách giáo khoa, đóng thành từng bộ, khiến không ít phụ huynh tưởng tất cả đều là sách bắt buộc.
Phản ánh đến Báo Lao Động, phụ huynh có con vào lớp 1 cho biết đang phải đối mặt với các khoản thu, trong đó có tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho con. Dù sách giáo khoa mới được niêm yết với giá từ 179.000-199.000 đồng/bộ, nhưng thực tế phụ huynh phải bỏ ra số tiền gấp 3-4 lần.
Theo phản ánh của phụ huynh tại Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), họ phải bỏ ra số tiền gần 1 triệu đồng để mua sách vở, đồ dùng học tập. Quan trọng, phụ huynh không được nhà trường, hay đơn vị phát hành thông báo, giải thích rõ ràng đâu là sách giáo khoa (bắt buộc phải mua) và đâu là sách bổ trợ, tham khảo (không bắt buộc).
Kết quả, họ phải mua cả “combo” sách và đồ dùng lớp 1 do Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Hà Nội phát hành, với 19 cuốn, có giá là 305.000 đồng. Ngoài ra, phụ huynh phải mua thêm bộ hình khối môn Toán của Cty Cổ phần thương mại EPE, bộ đồ dùng Toán - tiếng Việt cũng của công ty này với giá vài trăm nghìn đồng nữa. Tất cả sản phẩm này phụ huynh đều đăng ký thông qua giáo viên của nhà trường, trường phân phối đến phụ huynh.
Không chỉ ở Trường Tiểu học Tây Sơn, mà ở nhiều trường học khác trên khắp cả nước, trường học cũng trở thành “kênh phân phối” đủ các loại sản phẩm, từ sách, thiết bị giáo dục của các đơn vị, doanh nghiệp đến học sinh. Từ báo, dịch vụ tham quan, ngoại khóa, sổ điện tử, sữa, bảo hiểm thân thể...
Vì sao ngoài nhiệm vụ chuyên môn, đào tạo, cung cấp kiến thức cho học sinh, các trường học lại đứng ra phân phối, cung cấp đủ các sản phẩm giúp các đơn vị như vậy?
Theo tìm hiểu của Lao Động, tại Hà Nội, ngày 18.5, Sở GDĐT Hà Nội có Công văn số 1515 gửi các Phòng GDĐT, các trường THPT trực thuộc. Trong công văn, Sở GDĐT đưa ra danh mục sách từ lớp 1 đến lớp 12 mà NXB Giáo dục Việt Nam gửi tới các Sở GDĐT. Sau đó, sở yêu cầu các phòng giáo dục và các đơn vị trực thuộc tổ chức đăng ký đặt mua theo nhu cầu trên tinh thần tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh, không được tổ chức để bắt buộc học sinh mua thêm các loại sách, tài liệu tham khảo khác, các loại vở và học liệu khác.
Sau công văn của sở, các phòng giáo dục ở quận, huyện có công văn gửi về từng trường, cũng gửi kèm thêm danh mục sách từ lớp 1 đến lớp 12, thêm cả tên đơn vị phát hành sách là Công ty Sách và thiết bị giáo dục Hà Nội.
Nhiều nơi, đơn cử như ở huyện Thanh Trì, phụ huynh không được lựa chọn sách, mà mặc định phải mua theo bộ sách Phòng GDĐT đã gửi về. Trong đó, mỗi bộ đều trên 20 cuốn. Bộ sách lớp 6 còn lên đến 34 cuốn với giá gần 600.000 đồng, chưa kể nhiều bộ đồ dùng kèm theo phải mua nữa.
Như vậy, trường bắt buộc phải trở thành “kênh phân phối” sản phẩm sau các công văn từ trên chỉ đạo xuống. Nhưng bù lại, việc bán giúp sản phẩm của các đơn vị sản xuất cũng giúp nhà trường nhận lại “chi phí cảm ơn”, nói cách khác là một khoản tiền gọi là “hoa hồng”.
Ai hưởng “hoa hồng”?
Vấn đề “hoa hồng” trong trường học vốn được xem là chủ đề nhạy cảm. Nhưng theo thực tế tìm hiểu của phóng viên, có khoản tiền này đằng sau việc vận động học sinh mua sách, vở, đồng phục, đồ dùng học tập, kể cả việc đưa tiếng Anh vào dạy tăng cường trong trường học. Hiện nay, các NXB, đơn vị phát hành đều có cơ chế trả phần trăm hoa hồng cho các trường.
Ở mảng sách giáo khoa, theo ông Vũ Xuân Dương - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và thiết bị trường học Hà Nội, đơn vị được NXB Giáo dục Việt Nam chiết khấu khoảng 16%. Với tỉ lệ này, ông Dương cho rằng, chỉ đủ để đơn vị duy trì bộ máy, từ đóng gói, giao nhận, vận chuyển, trả lương cho nhân viên... “Làm sách giáo khoa là nhiệm vụ chính trị, phục vụ phụ huynh học sinh, chứ không có lãi”- ông Dương nói.
Tuy nhiên, đại diện Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Hà Nội cũng thừa nhận, sau khi phối hợp với nhà trường phát hành sách, đơn vị sẽ có một phần kinh phí gửi trường gọi là “chi phí cảm ơn”, hoặc hỗ trợ tặng sách cho thư viện trường học.
Ở mảng sách tham khảo, đồ dùng học tập, theo tìm hiểu của phóng viên, tỉ lệ chiết khấu cao hơn, thậm chí lên đến 45%. Với các NXB, đơn vị phát hành, đây chính là nguồn thu chính. Vì được chiết khấu cao, nên nếu đưa được sách tham khảo vào trường học, “chi phí cảm ơn” gửi lại nhà trường cũng cao hơn. Thông tin của Lao Động, có đơn vị chi cho nhà trường lên đến 25% hoa hồng trên tổng số tiền sách tham khảo đã bán được. Vì lý do này, không ít trường rất nhiệt tình “tư vấn” để phụ huynh đăng ký mua sách tham khảo, đồ dùng thông qua nhà trường.
Không ít ý kiến cho rằng, chính những khoản “hoa hồng” này là nguồn cơn khiến tình trạng lạm thu vẫn tái diễn, việc “nhập nhèm” giữa SGK và sách tham khảo vẫn là câu chuyện “đến hẹn lại lên”. Nó cũng là nguồn cơn khiến nhà trường trở thành “kênh phân phối” sản phẩm giúp các đơn vị sản xuất.
Nêu quan điểm về vấn đề này, GS-TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho biết, câu chuyện “hoa hồng” trong trường học ông đã nghe râm ran từ lâu và đây cũng là điều khiến ông lo ngại. “Nhà trường trở thành kênh phân phối sách, là đại lý phát hành sách và được trả thù lao. Tôi lo sợ nhất có chuyện này. Nếu như vậy thì học sinh, phụ huynh sẽ chịu thiệt, sẽ phải còng lưng cõng các loại chi phí. Vì nếu nhà trường lệnh xuống, không phụ huynh nào không dám mua. Nó cũng có thể khiến các đơn vị lợi dụng thị trường sách, thiết bị giáo dục - liên quan đến nhu cầu của mọi nhà - để kiếm tiền, mà trong trường học, không được phép xảy ra điều này”- GS Phạm Tất Dong nói.
Ông kiến nghị, Bộ GDĐT, các địa phương cần cấm tuyệt đối các Sở GDĐT, các phòng, các trường đứng ra giới thiệu, phân phối sách, đồ dùng, các dịch vụ giáo dục... đến phụ huynh học sinh. Nếu còn tiếp tục tái diễn việc này, sẽ khó tránh được nạn lạm thu, làm méo mó môi trường giáo dục.
Đặng Chung |
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT): Xử lý nghiêm nếu nhà trường trở thành kênh phân phối sách Duy Thiên (ghi) |
https://laodong.vn/giao-duc/truong-hoc-tro-thanh-dai-ly-sach-giao-khoa-dong-phuc-837361.ldo
Theo Đặng Chung (LĐO)