Thời sự - Bình luận

Tự tin đưa trẻ đến trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Háo hức, hồi hộp có lẽ là tâm trạng của rất nhiều trẻ em khi chuẩn bị bước chân đến trường trở lại vào ngày 14-2 sau khoảng thời gian rất dài phải ở nhà vì dịch bệnh. Trẻ đến trường cũng đồng nghĩa cả nước đã tiến thêm một bước dài trong phòng chống đại dịch Covid-19.

Hồi hộp không kém cũng là tâm trạng của phụ huynh. Hôm qua, tôi được trường mầm non mời đến họp để chuẩn bị cho con trở lại lớp mầm. Sau 20 phút, tâm trạng lo lắng của tôi như được cởi bỏ vì những gì mà nhà trường đã chuẩn bị: Đội ngũ y tế đã sẵn sàng, công tác phòng dịch được triển khai chu đáo, kể cả kịch bản có ca mắc phát sinh; thông tin liên lạc giữa phụ huynh - cô giáo - nhà trường được thiết lập chặt chẽ... Sự tự tin của nhà trường, của cô giáo và sự háo hức của con trẻ đã khuyến khích tôi ký vào giấy khảo sát đồng ý cho con đến trường.

Trở lại trường - chuyện tưởng rất bình thường đối với học sinh nhưng trong thời điểm này là kết quả của một quá trình chiến đấu kiên cường của toàn xã hội. Nó nằm trong chiến lược tổng thể của quốc gia ứng phó với Covid-19 khó lường, nguy hiểm và nay đã thành công. Trẻ đến trường, cha mẹ yên tâm, cuộc sống đã trở lại những giai điệu bình an nhất, vui tươi nhất, đã biểu hiện mối quan hệ tương hỗ nhưng cũng đầy trách nhiệm giữa phụ huynh - nhà trường - xã hội.

Cũng trong khoảng thời gian này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ công bố chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho các em. Chương trình này tiếp tục theo Quyết định số 1660/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông. Chương trình đề ra 5 nhóm nội dung quan trọng, tương ứng với đó là các chỉ tiêu cụ thể và 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp tích cực.

Trong buổi lễ trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về công việc trước mắt là cải thiện điều kiện vật chất, cơ sở trường học; chú trọng dạy các kỹ năng sinh tồn cho trẻ, cải thiện bữa ăn, chế độ dinh dưỡng, đặc biệt ở những khu vực ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19; giảm tải chương trình học, trước hết là ở bậc tiểu học để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.

Với hơn 22 triệu trẻ em ở độ tuổi mầm non và phổ thông (khoảng 25% dân số), nước ta có một nguồn tài nguyên về con người quý giá so với nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng chính là nguồn lực chính yếu để phát triển đất nước trong tương lai. Nhưng tầm phát triển của nguồn lực này phụ thuộc rất lớn vào kế hoạch giáo dục toàn diện với yêu cầu ngày càng cao. Cải tiến giáo dục liên tục là công việc tất yếu, rất khó nhưng phải làm nếu muốn hợp tác - cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển.

Hình ảnh trẻ em trở lại trường đẹp đẽ như một mầm cây vươn ra ánh nắng. Công việc của người lớn là tạo mọi điều kiện để mầm cây ấy phát triển mạnh mẽ và cho quả ngọt trong tương lai.

 

Theo DUY PHƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm