Thời sự - Bình luận

Ứng xử với tài sản quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyện gạo thơm Việt Nam từng "ngon nhất thế giới" ST25 đã bị một số thương nhân nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu ở Mỹ khiến chúng ta giật mình.

Cho dù toàn bộ các hồ sơ đăng ký bảo hộ đều đang ở chế độ chờ, đợi Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) kiểm tra, cho dù Bộ Công Thương và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng trấn an rằng thương hiệu gạo ST25 chưa mất, hay là USPTO sẽ từ chối các hồ sơ đăng ký bảo hộ kia vì họ chỉ cấp chứng nhận sở hữu giống thực vật chứ không công nhận bản quyền đối với sản phẩm sau thu hoạch... thì cũng chẳng thể nào an tâm được. Bởi vì ba lẽ, một là các thương nhân nước ngoài kể trên phải có mục đích rõ ràng thì họ mới làm như vậy; hai là bài học đắng về nhiều thương hiệu Việt bị mất bản quyền ở các thị trường nước ngoài đã từng xảy ra, nay không nên chủ quan; ba là trong trường hợp USPTO không thẩm tra kỹ ST25 là giống lúa hay tên gạo mà vẫn cấp bằng sở hữu độc quyền cho một thương nhân nào đó trong số các thương thân đã đệ đơn thì sao?

Bây giờ không phải là lúc trấn an nhau, cũng không nên tốn thời gian tranh cãi doanh nghiệp hay nhà nước chịu trách nhiệm đăng ký bảo hộ thương hiệu hay kiện đòi sau khi bị người ta hớt tay trên! Lúc này, cả doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng phải nhanh chóng cùng vào cuộc để "đấu", đem lại kết quả tốt nhất cho ST25 trên mặt trận pháp lý, bởi cơ hội chứng minh quyền sở hữu ST25 thuộc về phía doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn. Nếu vào cuộc sau khi USPTO quyết định thì mọi việc sau này sẽ gian nan bội phần, cùng với đó là thiệt hại khôn lường.

Đúng là nhà nước không có nghĩa vụ làm thay doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài nhưng với các doanh nghiệp nhỏ, thiếu nguồn lực như của ông Hồ Quang Trí (đang sở hữu bản quyền giống lúa ST25, con trai kỹ sư Hồ Quang Cua - cha đẻ giống lúa ST25) thì lại không đủ sức để làm việc đó, nhất là khi bị đánh cắp thương quyền. Các nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành; đặc biệt khi sản phẩm của họ đạt đẳng cấp quốc gia thì các bộ, ngành hữu quan phải vào cuộc. Đừng để chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh đơn độc sang nước ngoài đằng đẵng nhiều tháng, nhiều năm đấu tranh giành lại thương hiệu, tốn kém rất lớn, như trường hợp ông Nguyễn Lâm Viên và bà Hai Tỏ sang Trung Quốc đòi lại tên Vinamit và Kẹo dừa Bến Tre từ tay các con buôn nước này.

Và còn một việc nữa cần tiến hành nhanh, đó là công nhận thương hiệu quốc gia cho gạo ST25, kể cả ST24 - nếu đủ điều kiện. Chúng ta đã có Chương trình Thương hiệu quốc gia giai đoạn 2020-2030, cho nên đừng để ST25 (cũng như những thương hiệu ngang tầm khác) nằm vòng ngoài quá lâu. Dẫu rằng giống lúa có tên ST25 đã được cấp bằng bảo hộ theo Quyết định số 45/QĐ-TT-VPBH ngày 6-3-2020 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng bằng bảo hộ này chỉ có giá trị trong nước. Khi ST25 trở thành tài sản quốc gia thì các bộ, ngành sẽ ứng xử với nó khác trước, trách nhiệm gìn giữ không còn của riêng doanh nghiệp nữa và nếu xảy ra chuyện thì sẽ có nhiều nguồn lực hơn hợp sức để bảo vệ.

 

Theo A.Q (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm