Biển đảo Việt Nam

Vai trò của biển Đông đối với thế giới và Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các nhà khoa học từ xưa đến nay đã chứng minh biển Đông có vai trò to lớn đối với cả thế giới, trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như: kinh tế, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái... Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, châu Âu- châu Á, Trung Đông-châu Á.

Biển Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế quan trọng đứng vào hàng thứ nhì thế giới. Theo thống kê của các cơ quan chức năng của nhiều quốc gia trong khu vực thì bình quân mỗi ngày có khoảng 200 tàu các loại qua lại biển Đông. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông-Nam Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc... Vận chuyển bằng đường biển được coi là rẻ nhất trong các hình thức vận chuyển hiện có cho đến ngày nay, cũng theo thống kê đáng tin cậy, thì có hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua biển Đông.     

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, tháng 4-2010. Ảnh: Bích Hà
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, tháng 4-2010. Ảnh: Bích Hà

Biển Đông có những eo biển quan trọng như eo biển Malaca, eo biển Đài Loan, ở đấy được coi là những eo biển hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới; bởi vậy, biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa-chiến lược, quốc phòng, an ninh, giao thông hàng hải và các ngành kinh tế khác!
      
Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, biển Đông đóng vai trò quan trọng là tuyến phòng thủ phía Đông của đất nước ta; các đảo và quần đảo trên biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta, nó không những chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại biển Đông, mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối Việt Nam. Chúng ta đã biết, nước ta giáp với biển Đông từ 3 phía: Đông, Nam và Tây-Nam. Các vùng biển và thềm lục địa của chúng ta là một phần biển Đông, trải dọc theo bờ biển dài trên 3.260 km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, với nhiều bãi biển đẹp như: Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cam Ranh, Vũng Tàu... Nếu tính trung bình thì cứ mỗi 100 km2 lãnh thổ đất liền có 1 km bờ biển, tỷ lệ này cao gấp 6 lần tỷ lệ trung bình của thế giới. Không một nơi nào trên lục địa Việt Nam lại cách xa bờ biển 500 km.

 

Diễn viên Nhà hát ca múa nhạc Đam San giao lưu văn nghệ với CB, CS Đảo An Bang-Quần đảo Trường Sa. Ảnh: Bích Hà
Diễn viên Nhà hát ca múa nhạc Đam San giao lưu văn nghệ với CB, CS Đảo An Bang-Quần đảo Trường Sa. Ảnh: Bích Hà
Trong biển Đông, liên quan đến nước ta có 2 vịnh lớn, đó là: Vịnh Bắc bộ ở phía Tây-Bắc, rộng trên 130.000 km2 và vịnh Thái Lan ở phía Tây-Nam, rộng trên 293.000 km2. Đây là biển duy nhất nối liền 2 đại dương- Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Khẳng định rằng, Việt Nam là một quốc gia biển lớn nằm ven bờ Tây của biển Đông, tuy có lúc chịu nhiều rủi ro vì thiên tai, nhưng Việt Nam có nhiều cơ hội để biến tiềm năng về biển trở thành quốc gia mạnh về biển một cách toàn diện!

Nước ta có vùng biển bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm giữa biển Đông và hàng ngàn đảo lớn nhỏ gần và xa bờ hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ các vùng biển và thềm lục địa. Vùng biển nước ta đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Không chỉ nguồn lợi về kinh tế (các ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch; tiềm năng khoáng sản như: titan, zircon, thiếc, vàng, đất hiếm, cát nặng, cát đen; băng cháy... vô cùng quý hiếm), mà biển của nước ta còn là cửa ngõ để Việt Nam giao thương với thị trường thế giới, trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hóa...
    
Đặc biệt 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm ở vị trí trung tâm biển Đông, rất thuận lợi cho việc đặt các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền, phục vụ cho tuyến đường hàng hải trên biển Đông. Nói về hai quần đảo này chúng tôi sẽ có các bài viết khác, tuy nhiên nhân đây cũng xin thông tin thêm rằng, biển Đông nói chung và vùng biển đảo (nhất là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) của Việt Nam vốn từ xa xưa đã được các triều đại phong kiến, nhà nước ta qua các thời kỳ và ngư dân ven biển của ta chiếm giữ hợp pháp, quản lý và khai thác hiệu quả, được cộng đồng thế giới công nhận; nhưng từ lâu cũng đã có kẻ lăm le xâm chiếm, nhất là việc Trung Quốc chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa và một số đảo của quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về biển. Đó là hành động xâm lược, nhất là khi cách đây chưa lâu việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa của ta, bất chấp sự lên án gay gắt và chống đối quyết liệt của cộng động quốc tế và của Việt Nam.

 

Bích Hà (biên soạn theo “100 câu hỏi/đáp về biển đảo” của NXB TTvà TT-HN, 2013).

Có thể bạn quan tâm