Thực ra nguy cơ này đã được báo động từ nhiều năm trước, không phải đến bây giờ mới được đặt ra.
Đơn cử năm 2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định 558 về "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" với mong muốn các thanh niên nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và có nhiều chính sách hỗ trợ cho gia đình sinh đủ hai con ở các thành phố có tỷ suất sinh thấp. TP.HCM là một trong những địa phương tiên phong trong việc theo đuổi các chính sách để tăng mức sinh như hỗ trợ viện phí cho các cặp vợ chồng sinh con thứ 2; hỗ trợ mua nhà ở xã hội 1 lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con... Thế nhưng kết quả chưa được như mong muốn: Mức tăng dân số vẫn đang chậm lại, nguy cơ già hóa và khủng hoảng lao động vẫn đang hiện hữu.
Nhìn ra thế giới, Nhật Bản là quốc gia điển hình cho tình trạng dân số giảm liên tục. Năm 2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã phải lên tiếng kêu gọi hành động "ngay bây giờ hoặc không bao giờ" để ngăn chặn đà sụt giảm dân số nghiêm trọng của nước này. Hàn Quốc cũng tương tự, năm 2022, với tỷ lệ sinh trung bình 0,78 - mức thấp nhất kể từ năm 1970, Hàn Quốc trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có tỷ lệ sinh dưới 1. Tình trạng này khiến hàng thập niên qua, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải nhập khẩu lao động.
Dẫn ra 2 trường hợp trên để thấy, nguy cơ dân số già dẫn đến sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt lao động trẻ. Từ đó, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương nói riêng và của đất nước nói chung. Chưa kể, dân số già sẽ tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí... Thế nên một chiến lược dân số để ngăn chặn tình trạng già hóa, suy thoái là hết sức cấp bách.
Mà để ngăn chặn tình trạng này, cần trả lời câu hỏi, vì sao giới trẻ ngày càng ngại sinh, nhất là ở một đất nước mang văn hóa "con đàn cháu đống" như VN? Có rất nhiều nguyên nhân nhưng tựu trung là áp lực cuộc sống ngày càng tăng. Áp lực nuôi dạy con cái, áp lực công việc, áp lực kiếm tiền, áp lực xây dựng sự nghiệp... Rồi những mối lo về rủi ro từ bên ngoài đưa đến với người lập gia đình như gián đoạn cơ hội thăng tiến, cơ hội việc làm, nỗi lo tìm trường, nỗi lo môi trường... Rất nhiều lý do khiến cho người trẻ ngày càng ngại sinh con, ngại kết hôn. Ngay cả Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới, thì năm 2022 cũng lần đầu tiên đối mặt với giảm dân số gần 1 triệu người, tính từ năm 1961.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ
Đề xuất vợ chồng, cá nhân tự quyết định sinh bao nhiêu con: Hợp lý, nhân văn
Thế nên, muốn khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con sớm, phải có các giải pháp đồng bộ để giảm áp lực cho họ. Đặc biệt là những áp lực liên quan đến các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như nhà cửa, chính sách an sinh xã hội cho trẻ em, thu nhập... Để tâm lý "nuôi thân không nổi thì làm sao nuôi con" lùi lại, nhường chỗ cho niềm vui gia đình, niềm vui có một thế hệ con cháu nối tiếp... quay trở lại.
Đó là một chiến lược cấp thiết và là một hành trình dài mà phải bắt tay vào thực hiện ngay, quyết liệt và thực sự hiệu quả chứ không chỉ gióng lên hồi chuông rồi lại chìm xuống.