Biển đảo Việt Nam

"Viên ngọc" trên đảo Lý Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một trong những hòn đảo đang nổi lên như một điểm đến du lịch hấp dẫn, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không chỉ mang vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc khiến du khách ngỡ ngàng mà còn thán phục trước những di sản văn hóa của một biển đảo anh hùng và là nơi lưu giữ những bằng chứng sống về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
 

Du khách tham quan Lý Sơn. Ảnh: Tiến Dũng

Đảo Lý Sơn cách đất liền khoảng 15 hải lý (tương đương 28 km), được hình thành từ quá trình phun trào của núi lửa. Huyện đảo Lý Sơn được thành lập từ năm 1993, song những năm qua điều kiện kinh tế-xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vẫn còn khó khăn (trên 16% tỷ lệ hộ nghèo). Tiềm năng kinh tế, du lịch biển tuy lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Sự đổi thay đánh dấu bước đột phá “ngoạn mục” chính là điện lưới quốc gia được kéo đến hòn đảo xinh đẹp này vào năm 2014. Đặc biệt, những cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển biển đảo Lý Sơn (theo Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020) đã mở ra nhiều triển vọng mới cho Lý Sơn phát triển kinh tế.

Tiềm năng du lịch phong phú

 

Khung cảnh Lý Sơn nhìn trên cao. Ảnh: Lê Lan

Hơn một giờ đồng hồ ngồi lênh đênh trên tàu xuất phát từ cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi), đảo Lý Sơn dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Cảm giác chông chênh, nôn nao do sóng biển và nhất là “mùi biển” đặc trưng của cảng cá trong tôi bỗng tan biến trước vẻ đẹp hoang sơ của Lý Sơn. Từ Khách sạn Cát Tường hướng mắt nhìn ra biển, khung cảnh Lý Sơn đẹp như một bức tranh-một màu xanh biển trời hòa quyện, những nóc nhà san sát yên bình, xa xa những con tàu tấp nập, những cánh đồng tỏi xanh ngát...

Điểm đến đầu tiên được đoàn chúng tôi lựa chọn tham quan chính là Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải tại đảo Lý Sơn. Với giọng nói đậm chất xứ Quảng, hướng dẫn viên Đặng Thị Hiền giới thiệu cho chúng tôi về lịch sử của đảo, về những người lính Đội Hoàng Sa. Đặc biệt khi chị giới thiệu về những tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa với chất giọng nhẹ nhàng nhưng đầy cảm xúc, tất cả chúng tôi ai nấy đều chăm chú, tập trung, những đôi mắt bừng sáng, ánh lên niềm tự hào dân tộc, tình yêu nước, yêu biển đảo.

 

Du khách tham quan chùa hang. Ảnh: Lê Lan

Cuộc khám phá Lý Sơn của chúng tôi càng ấn tượng hơn, khi biết đảo Lý Sơn có đến 50 di tích văn hóa, lịch sử. Trong đó, có 4 di tích được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia và nhiều thắng cảnh đẹp như “cổng Tò Vò”, chùa Hang, hang Câu, miệng núi lửa Giếng Tiền, đỉnh núi Thới Lới... Điều khiến du lịch Lý Sơn trở nên đặc biệt hơn, chính là những di sản, thắng cảnh thiên nhiên văn hóa dưới nước tuyệt đẹp, hiếm có so với những biển đảo khác. Vùng biển Lý Sơn có trên 700 loài động thực vật, bao gồm 137 loài rong biển, 157 loài san hô, 7 loài cỏ biển, 40 loài da gai, trên 200 loài cá rạn và 96 loài giáp xác... Đặc biệt, với nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: san hô xanh, san hô đen, bào ngư, trai tai tượng… Đây cũng chính là lý do hấp dẫn các nhà đầu tư đến khai thác phát triển du lịch khám phá lòng đại dương.

Và sự đầu tư đột phá

Có thể nói điện lưới quốc gia kéo ra đảo thực sự trở thành một “cuộc cách mạng” đối với Lý Sơn, tháo gỡ bao khó khăn mà địa phương đối mặt từ nhiều năm qua. Phấn khởi với những đổi thay trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn-Phạm Văn Linh cho biết: “Huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư và phát triển các dịch vụ du lịch. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã và đang rót vốn hàng trăm tỷ đồng để xây khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ. Chẳng hạn, Tập đoàn Mường Thanh đang đầu tư 1 khách sạn 4 sao (tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng) cùng các dịch vụ như nhà hàng, quán bar, sân thể thao… dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015; Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương cũng quyết định đầu tư khu resort, bãi tắm, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản biển Lý Sơn, khu sinh thái biển...”.

 

Hoàng hôn trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Lê Lan

Hiện Lý Sơn có 17 nhà nghỉ, khách sạn hoạt động, có khả năng đón cùng lúc trên 1.000 du khách. Năm 2014, Lý Sơn đã đón hơn 36.000 lượt khách tham quan. Ngoài ra, Lý Sơn còn có hàng chục gia đình đã và đang đầu tư, tham gia đón khách đến tham quan theo mô hình du lịch cộng đồng (homestay). Đây là dịch vụ được đánh giá cao và có nhiều cơ hội phát triển, phù hợp với điều kiện của Lý Sơn. Đặc biệt, với sự hỗ trợ và định hướng của địa phương như tổ chức tập huấn, đưa đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác… sẽ góp phần phát triển du lịch “homestay” trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Không chỉ phát huy và quảng bá được giá trị về lịch sử, văn hóa và cảnh quan, mà còn tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ, tăng thu nhập và hưởng lợi từ sự phát triển du lịch tại đảo.

Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân địa phương, sự đầu tư từ các tập đoàn, công ty du lịch lớn như Mường Thanh, Đoàn Ánh Dương cũng như sự quan tâm khảo sát, quảng bá và xúc tiến khai thác tiềm năng du lịch từ các Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, Câu lạc bộ Lữ hành Hà Nội Unesco… hy vọng trong tương lai, Lý Sơn sẽ là một huyện đảo phát triển mạnh ngành công nghiệp không khói, trở thành một viên ngọc sáng về du lịch.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm