Niềm đam mê với khoa học đã khơi dậy trong tôi từ thời thơ ấu, khi tôi nhận ra rằng AI chính là chìa khóa mở ra những cuộc cách mạng trong tương lai.
Chẳng hạn như việc sử dụng AI để sáng chế ra vắc-xin chống ung thư hoặc phát triển những vật liệu hiệu quả hơn cho năng lượng mặt trời. Đây chỉ là một vài trong vô số ví dụ về tiềm năng vô hạn của AI.
Việt Nam cần nhìn nhận rằng cuộc cách mạng về AI đang diễn ra như một cơn sóng ngầm và một ngày nào đó, nó sẽ bùng nổ thành một cơn sóng thần không gì cưỡng lại được.
Trong thập kỷ tới, đây sẽ là một thách thức lớn khi nhiều công việc truyền thống bị tự động hóa. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vô cùng lớn cho Việt Nam, chúng ta có thể thẳng tiến và phát triển cùng với AI.
Với kinh nghiệm của bản thân, tôi xin phép đề xuất 4 khuyến nghị để Việt Nam có thể biến thách thức từ AI thành cơ hội:
Thứ nhất, chúng ta luôn xem tài sản lớn nhất chính là con người. Dựa trên nền tảng này, chúng ta nên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục về AI, đặc biệt là ở bậc đại học. Việt Nam nên xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về lĩnh vực mới mẻ này, với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu.
Tôi vui mừng chia sẻ rằng trong chuyến về nước lần này, Google đã quyết định đầu tư vào Đại học Fulbright, đặc biệt là trong chương trình giáo dục AI. Tôi tin rằng sự đầu tư này sẽ đặt nền tảng vững chắc cho sự đổi mới giáo dục trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Thứ hai, sau khi đã đầu tư vào con người, chúng ta cần phải tìm cách tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là đầu tư vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy trong mỗi cuộc cách mạng đều có kẻ thắng, người thua và cách hiệu quả nhất để tìm ra người thắng cuộc là tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng và mạnh mẽ.
Thứ ba, Việt Nam nên tập trung phát triển mạnh mẽ các ứng dụng của AI. Trong thế kỷ XXI, AI sẽ là công cụ quan trọng và ai chậm chân hẳn sẽ bị bỏ lại phía sau. Tin vui là hiện nay, nhiều phần mềm AI đang được cung cấp dưới dạng mã nguồn mở, mở ra cơ hội rất lớn cho các ứng dụng trong tương lai gần.
Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu quốc gia đầy tham vọng, áp dụng AI trong các lĩnh vực như y tế công cộng, giao thông và nhiều lĩnh vực khác.
Cuối cùng, tôi đề xuất rằng Việt Nam nên thành lập một hội đồng cố vấn cấp cao về chip và AI. Đây là những lĩnh vực đang phát triển với tốc độ chóng mặt và hội đồng này sẽ giúp đưa ra những quyết sách nhanh chóng và chính xác trong các lĩnh vực mũi nhọn này.
Theo TS Lê Viết Quốc (nhà nghiên cứu AI tại Tập đoàn Google)