(GLO)- Ngày 3-12 tới đây, Đảng bộ và nhân dân TP. Pleiku sẽ long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku. Tuy là một đô thị trẻ nhưng Pleiku đã đạt được 2 mục tiêu rất quan trọng mà không phải đô thị nào trong cả nước cũng có được là hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và được công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đó là kết quả thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, quân và dân thành phố dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Điểm lại quá trình hình thành và phát triển của đô thị Pleiku, chúng ta có thể hình dung ra 2 giai đoạn, ở mỗi giai đoạn đều có đặc điểm riêng biệt. Trước năm 1975, Pleiku chỉ là vùng đất hoang sơ “rừng thiêng nước độc”, là cứ điểm quân sự, là trại lính của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ ngày 17-3-1975, Pleiku chính thức được giải phóng, song mang trên mình bao vết thương chiến tranh, cần có sự chung tay xây dựng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Thiết nghĩ, vinh danh công dân ưu tú là việc nên làm đối với một thành phố trẻ, năng động và đang bứt phá mạnh mẽ như Pleiku. (ảnh internet) |
Trải qua 44 năm dựng xây với tâm huyết của bao thế hệ, Pleiku có sự phát triển về mọi mặt, trở thành đô thị trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên và là điểm nhấn của khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Thành tựu thì nhiều nhưng có 2 yếu tố rất cần khẳng định trong hành trình phát triển Pleiku là đời sống của cư dân không ngừng được cải thiện và bộ mặt đô thị ngày càng xanh-sạch-đẹp-hiện đại. Mặc dù chưa có cuộc điều tra nào về mức độ hài lòng của người dân, cũng như chưa có bộ tiêu chí đánh giá Pleiku có phải “thành phố đáng sống” hay không, song hầu hết người Pleiku đều tỏ ra tự hào với nơi mình gắn bó. Dù chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về đặc điểm cư dân Pleiku, nhưng người dân Phố núi vẫn “đóng đinh” trong lòng du khách về sự hào hiệp, tính phóng khoáng và lòng hiếu khách. Trong quá trình học tập và lao động sản xuất, Pleiku “trình làng” không ít cá nhân điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực như: sản xuất kinh doanh, văn hóa, văn nghệ, thể thao…
Các nhà kinh điển cho rằng: Con người là vốn quý, là nguồn lực đặc biệt quan trọng của xã hội. Muốn xã hội phát triển thì nhất thiết phải có chính sách nuôi dưỡng và khai thác triệt để nguồn lực con người. Theo chúng tôi, để Pleiku tiếp tục vươn lên sánh cùng các đô thị lớn trong cả nước thì ngay từ bây giờ thành phố cần có chiến lược xây dựng con người bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại. Muốn vậy, trước tiên, thành phố phải kịp thời phát hiện và khuyến khích những nhân tố mới có nhiều đóng góp cho sự phát triển. Theo đó, hàng năm, thành phố cần vinh danh những công dân ưu tú như cách thủ đô Hà Nội đang làm rất thành công.
Kinh nghiệm từ Hà Nội và các thành phố khác cho thấy, việc vinh danh công dân ưu tú có tác động tích cực trên nhiều mặt đối với cộng đồng. Trước hết, đó là biện pháp nhằm tưởng thưởng xứng đáng sự đóng góp của những nhân tố tích cực đối với sự phát triển của thành phố; trên cơ sở đó, kích thích sự tích cực rèn luyện, sống gương mẫu cũng như sự cống hiến của các cá nhân trong cộng đồng xã hội. Ở chiều ngược lại, việc vinh danh nhân tố tích cực cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm tuyên truyền, vận động, giáo dục mọi người không vướng vào lối sống vô cảm, thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng hoặc sa vào các tệ nạn xã hội như: rượu chè, cờ bạc, ma túy, mại dâm…
Thiết nghĩ, vinh danh công dân ưu tú là việc nên làm đối với một thành phố trẻ, năng động và đang bứt phá mạnh mẽ như Pleiku. Vấn đề còn lại là quá trình triển khai phải chặt chẽ, bài bản; việc bình chọn phải đảm bảo khách quan, đúng người, đúng việc… với phương châm phục vụ tối đa cho sự phát triển và hội nhập.
DUY LÊ