WHO lo ngại về tình hình cúm gia cầm H5N1 trên toàn cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại về cúm gia cầm H5N1 trên toàn cầu sau khi cha của bé gái Campuchia 11 tuổi chết vì căn bệnh này cũng cho kết quả dương tính, làm dấy lên lo ngại về khả năng lây truyền từ người sang người.
WHO bày tỏ lo ngại về cúm gia cầm H5N1 trên toàn cầu. Ảnh: Website WHO

WHO bày tỏ lo ngại về cúm gia cầm H5N1 trên toàn cầu. Ảnh: Website WHO

Tại Campuchia, bé gái bị ốm ngày 16.2 với các triệu chứng sốt, ho và đau họng. Bé gái tử vong ngày 22.2 do virus cúm gia cầm H5N1, theo Bộ Y tế Campuchia. Giới chức Campuchia sau đó lấy mẫu từ 12 người đã tiếp xúc với bé gái.

Tới ngày 24.2, Campuchia thông báo, người cha 49 tuổi của bé gái 11 tuổi được xác định dương tính với virus. Đáng chú ý, người đàn ông này không có triệu chứng nhiễm virus.

WHO đã liên hệ chặt chẽ với giới chức Campuchia về tình hình, bao gồm cả kết quả xét nghiệm của những người khác đã tiếp xúc với bé gái.

AFP lưu ý, con người hiếm khi bị cúm gia cầm và khi mắc bệnh thường là do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nhiễm bệnh.

Các nhà điều tra ở Campuchia đang làm việc để xác định xem bé gái và người cha có tiếp xúc với những con chim bị nhiễm bệnh hay không.

Giới chức cũng đang chờ kết quả xét nghiệm từ một số con chim hoang dã đã chết được tìm thấy gần ngôi làng hẻo lánh của cô gái ở tỉnh Prey Veng.

“Cho đến nay, vẫn còn quá sớm để biết liệu virus có lây truyền từ người sang người hay tiếp xúc với các điều kiện môi trường giống nhau hay không” - Sylvie Briand, Giám đốc phòng chống và sẵn sàng cho đại dịch và dịch bệnh của WHO, phát biểu trong một cuộc họp báo.

Đầu tháng này, người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, nguy cơ cúm gia cầm với con người là thấp và bà Briand nhấn mạnh rằng đánh giá này không đổi.

Tuy nhiên, bà nói thêm, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đang xem xét các thông tin sẵn có để xác định xem đánh giá rủi ro này có cần cập nhật hay không.

“Tình hình H5N1 toàn cầu đáng lo ngại do sự lây lan rộng rãi của virus ở các loài chim trên khắp thế giới và ngày càng có nhiều báo cáo về các ca bệnh ở động vật có vú và cả ở người. WHO coi rủi ro từ loại virus này là nghiêm trọng và kêu gọi tất cả các quốc gia nâng cao cảnh giác" - bà Briand nói.

Theo bà Briand, cho đến nay, các trường hợp cúm gia cầm ở người là "lẻ tẻ". "Chúng tôi thực sự lo ngại về khả năng lây truyền từ người sang người sau khi bị lây lan ban đầu từ động vật" - quan chức WHO cho hay.

Nếu lây truyền cúm gia cầm từ người sang người được xác nhận, WHO cho biết có hàng loạt biện pháp có thể được triển khai nhanh chóng. Ví dụ, có gần 20 loại vaccine cúm gia cầm H5 được cấp phép sử dụng trong đại dịch, WHO chỉ ra.

Tuy nhiên, Richard Webby - người đứng đầu trung tâm nghiên cứu bệnh cúm ở động vật của WHO - ước tính cần 5 hoặc 6 tháng để cập nhật và sản xuất vaccine cho chủng H5N1 đang lưu hành.

Theo WHO, trong hai thập kỷ qua, đã có gần 900 ca nhiễm H5N1 được xác nhận ở người với hơn 450 trường hợp tử vong.

Bà Briand thông tin, một bé gái 9 tuổi ở Ecuador mắc cúm gia cầm hồi tháng trước đã "hồi phục và xuất viện".

Có thể bạn quan tâm