Thời sự - Bình luận

"Xuất khẩu" cử nhân thất nghiệp - chuyện bi hài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bằng cấp của lao động đã được đào tạo tại Việt Nam khó thuyết phục các chủ sử dụng lao động ở các nước có nhu cầu nhân lực trình độ cao.
Một thông tin mới đây trên Thời báo kinh tế Việt Nam cho biết, nhiều cử nhân trẻ của Hàn Quốc đã tham gia các chương trình tìm kiếm việc làm ở nước ngoài do Chính phủ tài trợ, và tới nay đã có khoảng 1/3 số cử nhân này làm việc ở Nhật Bản, 1/4 làm việc ở Mỹ.
 
Nhiều cử nhân của Việt Nam tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp (ảnh minh họa)
Trong khi đó, các công việc lao động phổ thông ở Hàn Quốc vẫn phụ thuộc vào nguồn lao động nhập cư, do lao động trẻ của nước này không mặn mà với công việc lao động chân tay. Theo thống kê chính thức, tháng 3 năm nay, 1/4 người Hàn Quốc trong độ tuổi 15-29 không có việc làm, do lựa chọn của chính họ hoặc do không tìm được việc làm.
Theo nhận xét của các chuyên gia giáo dục tại Hàn Quốc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là phương pháp đào tạo tập trung vào những ngành lao động chất lượng cao.
Câu chuyện của Hàn Quốc cũng chính là câu chuyện của Việt Nam những năm gần đây, nhưng khác biệt ở chỗ, bằng cấp của Hàn Quốc được cả thế giới công nhận, còn bằng cấp của Việt Nam thì chưa. Do đó, tình trạng “Thừa thầy thiếu thợ”, thừa nhân lực có bằng cấp nhưng thiếu nhân lực có thể trực tiếp làm việc ở Việt Nam đang gây ra sự lãng phí rất lớn đối với nguồn lực xã hội.
Xét ở góc độ kinh tế, những bất cập trong đào tạo của Việt Nam đang dẫn tới nhiều hệ lụy: chi phí đào tạo lớn nhưng hiệu quả không cao; mất cân đối trong phân bổ nguồn nhân lực; các doanh nghiệp phải tốn thêm kinh phí đào tạo lại. Lao động không có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, tay nghề, kỹ năng mềm… nên khó tìm kiếm việc làm tốt ở trong nước cũng như khi xuất khẩu lao động.
Dù có bằng cấp, nhưng nhiều cử nhân ra trường vẫn phải chấp nhận làm xe ôm công nghệ (Grab bike), phục vụ bàn, nhân viên vận chuyển hoặc may mắn hơn thì xin vào làm ở một công ty nào đó với mức lương khiêm tốn và công việc không đúng ngành nghề đào tạo. Đây là một vấn đề kinh tế - xã hội hết sức nan giải, bởi với tiềm lực kinh tế còn khá yếu, Chính phủ Việt Nam khó có thể hỗ trợ người lao động phi lợi nhuận như Hàn Quốc, và bằng cấp của lao động đã được đào tạo tại Việt Nam cũng sẽ khó thuyết phục các chủ sử dụng lao động ở các nước có nhu cầu nhân lực trình độ cao.
Khi bàn về câu chuyện năng suất lao động tại Việt Nam, giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Việt Nam cần thay đổi phương thức đào tạo bằng cách gắn kết việc đào tạo với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, đồng thời chú trọng cả đào tạo kỹ năng lao động, kỷ luật lao động chứ không phải chỉ tay nghề và kiến thức, thì mới mong bắt kịp nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
Thu Thùy (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm