Thời sự - Bình luận

Ám ảnh mất việc làm cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

 Bên cạnh sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường lao động khi các doanh nghiệp (DN) ồ ạt tuyển dụng nhân sự nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh trước và sau Tết nguyên đán, vẫn còn đó nỗi lo nhiều DN gặp khó khăn về đơn hàng, buộc phải ngưng sản xuất khiến hàng ngàn người lao động (NLĐ) mất việc.

Công ty TNHH Tỷ Hùng (100% vốn Đài Loan - Trung Quốc; quận Bình Tân, TP HCM) vừa thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với gần 1.200 NLĐ do thu hẹp quy mô sản xuất. Theo thông báo, vì ảnh hưởng kinh tế, các đối tác bị thiệt hại nặng nề dẫn đến công ty mất đơn hàng.

Thời gian qua, dù đã tìm nhiều biện pháp nhưng công ty không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch, do đó phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với cả ngàn NLĐ. Trước đó một tuần, Công ty TNHH Tashuan (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM) cũng thông báo tạm thời đóng cửa nhà máy do hết đơn hàng và tài chính khó khăn. Toàn bộ NLĐ của DN này nghỉ không lương 3 tháng, kể từ ngày 7-11 cho đến khi có đơn hàng trở lại…

Việc DN thu hẹp sản xuất, thậm chí chấm dứt hoạt động, do thiếu đơn hàng không phải là vấn đề mới khi tác động của dịch COVID-19 vẫn còn. Nhiều DN đã cố gắng cầm cự để giữ việc làm cho NLĐ nhưng lực bất tòng tâm, từ đó buộc phải chọn giải pháp ngưng sản xuất hoặc giải thể, chấm dứt hợp đồng với NLĐ. Mất việc vào những tháng cuối năm là nỗi ám ảnh với NLĐ, bởi cơ hội tìm việc làm mới rất khó, nhất là công nhân lớn tuổi.

Dù nhiều DN cam kết bảo đảm quyền lợi, đặc biệt là lương, thưởng Tết, song nỗi lo thất nghiệp sau Tết khiến NLĐ vẫn cảm thấy bất an. Qua khảo sát, DN tuyển dụng lao động thường ưu tiên người trẻ. Lớn tuổi khiến cơ hội việc làm của NLĐ bị thu hẹp và việc "ăn dần" vào các khoản trợ cấp được DN chi trả là điều không thể tránh khỏi. Họ sẽ ra sao khi cơ hội việc làm rất ít, thậm chí không có?

Lường trước tình hình này, khi triển khai kế hoạch tổ chức chăm lo cho đoàn viên và NLĐ dịp Tết nguyên đán 2023, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý Công đoàn các cấp chủ động tham gia với cơ quan chức năng để nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng; kịp thời phát hiện và có giải pháp bảo đảm quyền lợi của NLĐ ở DN gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản.

Với chủ đề "Tết sum vầy - Xuân gắn kết", các hoạt động chăm lo Tết nguyên đán 2023 của các cấp Công đoàn sẽ được tổ chức bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng, phù hợp; ưu tiên đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, gặp thiên tai, thiếu hay mất việc làm...

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam, song song với nỗ lực của tổ chức Công đoàn, các ngành chức năng cần theo dõi, nắm bắt tình hình lao động - việc làm, nhu cầu lao động, tuyển dụng, sử dụng, biến động lao động trong các DN; tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương, DN trong việc cung ứng, tuyển dụng lao động, đào tạo nghề cho NLĐ. Đặc biệt, cần có phương án hỗ trợ NLĐ mất việc nhằm bảo đảm đời sống cho họ.

Theo VĨNH TÙNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm